Thuyết gắn bó trong tâm lý học sẽ lý giải vì sao nhiều người mắc kẹt trong những mối quan hệ thiếu lành mạnh, dù điều này làm họ đau khổ.
- Tại sao bạn luôn thất bại trong chuyện tình cảm?
- Thích đối phương nhưng lại luôn muốn chạy trốn và cảm thấy khó khăn để kết nối thân mật?
- Cảm thấy bị thu hút bởi những đối tượng độc hại và thường có những mối quan hệ lệ thuộc?
EDUFA sẽ lý giải tất cả câu hỏi trên dựa trên học thuyết gắn bó trong tâm lý học. Mời bạn đọc theo dõi!
1. Thuyết gắn bó gồm có những dạng nào?
Học thuyết gắn bó (Attachment theory) của John Bowlby là một thuyết lý giải về việc mối liên hệ gắn kết của ta thời thơ ấu với bố mẹ, sẽ có những ảnh hưởng chặt chẽ đến quyết định lựa chọn bạn đời của ta sau này. Cũng là thứ quyết định bản chất và hành động trong các mối quan hệ tình cảm.
Hiểu đơn giản, những người có mối quan hệ tốt với bố mẹ (được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về tinh thần) sẽ có những nhận thức tích cực để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh.
Ở trường hợp ngược lại, các cá nhân gặp vấn đề về sự gắn kết với bố mẹ thời thơ bé, có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng liên kết hay một mối quan hệ tốt đẹp.
Theo đó thuyết gắn bó đã phân chia ra 4 kiểu dạng. Cụ thể như sau:
1.1 Gắn bó an toàn (Secure)
Có khoảng 50% dân số thuộc nhóm này. Họ là những người bạn đời lý tưởng khi có đời sống tình cảm vô cùng lành mạnh. Họ thoải mái trong việc thể hiện tình cảm, sự quan tâm của mình với đối phương.
Những người thuộc kiểu gắn bó an toàn cũng là những người biết vạch ra ranh giới để bảo vệ bán thân. Họ hoàn toàn ổn trong trạng thái phải ở một mình. Đây là mẫu người tích cực, có cái nhìn cởi mở, tin tưởng người xung quanh. Đồng thời chính họ cũng là người rất đáng tin cậy.
Đặc điểm cụ thể:
- Sở hữu trí tuệ cảm xúc (EQ) cao, biết cách chuyển hóa cảm xúc thoả đáng để mang đến sự lành mạnh cho mối quan hệ.
- Luôn cảm thấy an tâm dù ở một mình hay ở cùng đối phương.
- Có thái độ giao tiếp tích cực. Trong các hành động thân mật trao, nhận cũng vô cùng lành mạnh.
Liên kết hình thành với gia đình trong quá khứ: Những người thuộc kiểu gắn bó an toàn là những người có tuổi thơ êm ấm. Họ nhận được đầy đủ tình cảm, sự quan tâm cần có từ bố mẹ.
1.2 Gắn bó lo âu (Anxious Preoccupied)
Đúng như tên gọi, kiểu người thuộc gắn bó lo âu luôn cảm thấy bất an trong mối quan hệ. Họ cần có sự đảm bảo của đối phương về mặt tình cảm. Và thường sẽ cảm thấy khó khăn khi phải ở một mình.
Bạn có từng bắt gặp hình ảnh những cô gái suốt ngày bám dính lấy người mình yêu? Thường xuyên kiểm soát và không ngừng hỏi để xác nhận lại xem người yêu của cô ấy có thực sự yêu cô ấy nhiều hay không? Thì đây chính là kiểu mẫu của loại gắn bó này.
Theo nghiên cứu về thuyết gắn bó, phái nữ chiếm tỉ lệ cao hơn trong kiểu gắn bó lo âu. Đây là dạng gắn bó khiến nhiều người mắc kẹt trong các mối quan hệ độc hại.
Đặc điểm cụ thể:
- Có xu hướng bám dính trong mối quan hệ, liên tục tìm kiếm sự đảm bảo và chấp nhận từ người khác.
- Dễ cảm thấy áp lực từ những chuyện có thật lẫn suy diễn, khiến bản thân cảm thấy: nhạy cảm thái quá, kiểm soát, hay ghen,…
- Thường trong trạng thái lo âu và thiếu an toàn trong mọi mối quan hệ. Họ tiếp nhận lời nói, hành động của người khác theo hướng tiêu cực.
- Không thích phải ở một mình.
Liên kết hình thành với gia đình trong quá khứ: Những người có tuổi thơ bị thiếu hụt tình thương và sự quan tâm từ bố mẹ.
Đọc thêm: Giải toả căng thẳng đơn giản, hiệu quả tức thì
1.3 Gắn bó né tránh (Dismissive – Avoidant)
Trái ngược hoàn toàn với kiểu gắn bó lo âu, người thuộc dạng né tránh trong thuyết gắn bó rất độc lập. Và là một cá thể hoàn toàn tách biệt. Họ luôn hạn chế tối đa sự gần gũi hay các mối quan hệ thân mật. Dùng lý trí để cho rằng những điều này sẽ khiến họ bị ràng buộc và lệ thuộc về cảm xúc.
Phần lớn những người thuộc kiểu gắn bó này là nam. Điều này lý giải cho việc vì sao thông thường phái này lại có sự độc lập, tách biệt.
Đặc điểm cụ thể:
- Có vấn đề trong việc hình thành cam kết (thường sẽ chọn độc thân). Nếu ở trong mối quan hệ tình cảm cũng thường có xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân.
- Họ đặt những mục tiêu lên trên các mối quan hệ. Và dù có nhiều mối quan hệ nhưng lại ít cái nào thực sự thân thiết.
- Né tránh sự thân mật về cả thể xác lẫn tinh thần.
- Có khuynh hướng hành vi gây hấn thụ động và ái kỷ.
Liên kết hình thành với gia đình trong quá khứ: Những người thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Hay bị thờ ơ và lạnh nhạt lúc nhỏ.
1.4 Gắn bó lo âu – né tránh (Fearful – Avoidant)
Tập hợp những điều tiêu cực nhất của hai kiểu gắn bó lo âu và né tránh. Người thuộc kiểu gắn bó lo âu – né tránh có cách tiếp cận các mối quan hệ rất mâu thuẫn. Họ tìm đến những mối quan hệ khi có nhu cầu. Nhưng lại sợ hãi muốn chạy trốn khi mối quan hệ bước vào giai đoạn thân mật, gần gũi.
Điều này khiến chính người trong cuộc cũng cảm thấy bối rối. Vì không hiểu được bản thân, họ khó lòng bày tỏ tình cảm của mình.
Đặc điểm cụ thể:
- Luôn khao khát sự thân mật nhưng lại chối bỏ nó dẫn tới sự xung đột về nội tâm.
- Có xu hướng nghi ngờ ý định, hành động của người khác (gắn bó lo âu).
- Giữ khoảng cách với mọi người. Và ít có mối quan hệ thân thiết (gắn bó né tránh).
Liên kết hình thành với gia đình trong quá khứ: Đây là kiểu gắn bó được hình thành từ một tuổi thơ bị bạo hành hoặc bỏ bê nặng nề.
Đọc thêm: Inner child: Đứa trẻ bên trong bạn liệu có đang bị tổn thương?
Về bản chất ngoại trừ kiểu gắn bó an toàn, những kiểu gắn bó còn lại thường có xu hướng thu hút và mắc kẹt trong các mối quan hệ độc hại. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể an tâm khi các dạng thức này không cố định. Và có thể thay đổi theo thời gian.
2. Các dạng trong thuyết gắn bó có thể thay đổi theo thời gian
Theo đó, những người thuộc nhóm tiêu cực trong thuyết gắn bó như: lo âu, né tránh và lo âu – né tránh, nếu ở trong một mối quan hệ lành mạnh có thể cải thiện tình trạng của họ.
Rất nhiều trường hợp những người thuộc nhóm lo âu, né tránh khi kết đôi cùng nhóm thuộc kiểu gắn bó an toàn, thời gian sau đã có thể nâng mức của bản thân lên thành dạng tích cực. Và ngược lại.
Ví dụ: Anh chàng thuộc kiểu gắn bó an toàn gặp cô nàng thuộc gắn bó né tránh và bị phản bội. Dẫn tới việc anh ta chuyển thành kiểu gắn bó né tránh. Và có xu hướng hình thành các mối quan hệ độc hại về sau.
Ngoài ra các ngoại cảnh như: tai nạn dẫn đến chia ly, vấn đề từ con cái, ly hôn,… cũng có thể gây ảnh hưởng xấu tương tự.
3. Mối liên kết giữa các kiểu gắn bó với nhau
Thông thường các kiểu gắn bó độc hại như né tránh và lo âu lại thường có xu hướng thu hút nhau trong các mối quan hệ.
Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng lý giải lại rất đơn giản. Đối với kiểu gắn bó né tránh, sẽ rất khó để họ hình thành mối quan hệ tình cảm với đối tượng thuộc kiểu gắn bó cùng loại, hoặc gắn bó an toàn. Bởi người thuộc gắn bó an toàn sẽ tiếp nhận lời từ chối dễ dàng và lựa chọn chấm dứt mối quan hệ. Trong khi kiểu gắn bó lo âu sẽ có xu hướng bám víu, tìm mọi cách để theo đuổi. Cũng như tìm kiếm sự chấp thuận của người thuộc gắn bó né tránh.
Điều này giúp người thuộc gắn bó né tránh cảm thấy an tâm. Vì dù họ có thờ ơ như thế nào thì đối phương cũng sẽ tiếp nhận và tìm cách níu kéo mối quan hệ.
4. Tổng kết về thuyết gắn bó trong tâm lý học
Nhà tâm lý học Bartholomew và Horowitz đưa ra giả thiết cho thấy kiểu gắn bó của một người có mối liên hệ tương đương với mức độ tích cực và tiêu cực trong cách nhìn nhận của họ về bản thân và người khác.
Theo đó, những người thuộc kiểu gắn bó an toàn có cách nhìn tích cực về bản thân và những người xung quanh.
Người gắn bó lo âu lại có cách nhìn nhận tiêu cực về bản thân và tích cực với người khác. Đối lập hoàn toàn với kiểu gắn bó né tránh (dẫn tới thái độ ngạo mạn, tự cao).
Dựa trên đặc tính này bạn có thể bắt đầu điều chỉnh hành vi của mình. VD: Nếu thuộc kiểu gắn bó lo âu hãy tập trung hoàn thành và theo đuổi các mục tiêu cá nhân. Từng bước xây dựng cái nhìn đúng đắn về cái tôi của bản thân.
Nếu thuộc kiểu gắn bó né tránh hãy tập mở lòng mình với những người khác. Và xây dựng các kết nối mới.
Tuy không nhất thiết phải thuộc kiểu gắn bó an toàn bạn mới có được hạnh phúc trong các mối liên hệ tình cảm. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những người thuộc dạng gắn bó này, thường sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn các nhóm còn lại. Đồng thời giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh như trầm cảm, lo âu. Bởi họ luôn có cái nhìn đúng đắn về bản thân và người khác.
EDUFA mong rằng bài viết trên có thể phần nào cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc!
Đọc thêm: Tâm lý học phóng chiếu là gì?