Tâm lý học về phóng chiếu là gì? Vì sao chúng ta hay có xu hướng vô thức phóng chiếu những đặc tính tiêu cực của bản thân lên người khác?
Cùng EDUFA tìm hiểu qua bài viết bên dưới!
Điều mà ai đó chỉ trích người khác, thực tế lại chính là điều mà họ chán ghét ở bản thân mình – Cơ chế phòng vệ phóng chiếu trong tâm lý học.
1. Khái niệm về phóng chiếu trong tâm lý học
Khái niệm về cơ chế phóng chiếu được đề ra đầu tiên bởi nhà phân tâm học – Sigmund Freud. Theo đó, cách nhìn nhận của ta về người khác cũng chính là tấm gương phản ánh phần nội tâm bên của chúng ta.
Việc đối mặt với những đặc tính và cảm xúc tiêu cực ở bản thân là một điều không hề dễ dàng. Do đó, con người thường có xu hướng gắn nó lên các đối tượng khác như một cơ chế để bảo vệ cái tôi cá nhân (Ego). Và đây được xem là một cơ chế tự vệ trong tâm lý.
VD: Một người vợ bị thu hút bởi người khác phái và không thể chấp nhận loại cảm xúc này. Cô ấy sẽ có xu hướng nghi ngờ chồng mình ngoại tình khi anh ấy đang kể về một nữ đồng nghiệp nào đó.
Hay một người đàn ông có những lo ngại về sự nam tính của bản thân. Anh ta sẽ có xu hướng móc mỉa một người đàn ông khác – Khi thấy họ cư xử nữ tính.
Đây cũng được xem là một loại nhận thức có động cơ (Motivated cognition) – Khi ta đưa ra những kết luận có lợi cho bản thân để đem đến cảm giác dễ chịu và thoải mái.
Lý giải tương tự cho hai trường hợp trên, cô vợ sẽ cảm thấy bớt tội lỗi hơn, nếu như đặt ra kết luận anh chồng của mình cũng có tư tưởng tương tự. Và người đàn ông chỉ trích những người đàn ông khác vì thiếu nam tính, cũng sẽ vô thức tạo cho mình cảm giác an toàn của “một kẻ ngoài cuộc”. Và quên đi nỗi mặc cảm trong thâm tâm anh ta.
2. Tác động của cơ chế phóng chiếu trong tâm lý học
Việc phóng chiếu hình thành như một tấm khiên. Giúp bảo vệ bản ngã khỏi những thứ được cho là có khả năng đe dọa đến nó. Thông qua việc ta gán lên người khác những đặc tính mà bản thân không mong muốn nhìn nhận ở chính mình.
Đây là một dạng phóng chiếu tự vệ hay còn được gọi là phóng chiếu dạng cổ điển.
Tuy nhiên nếu ở chiều hướng ngược lại tiêu cực hơn, đây có thể được xem là một loại thiên kiến nhận thức. Khi ta quy kết mọi người như mình với cái nhìn phiến diện.
Trong ngắn hạn, thì cơ chế phóng chiếu có thể loại bỏ cảm giác khó chịu, chối bỏ bản thân. Đồng thời là một hành động để ứng phó với lo âu và duy trì lòng tự trọng.
Tuy nhiên, đây lại là một mối nguy với khả năng phá vỡ các mối quan hệ xung quanh. Gây ra các phản ứng tiêu cực như thói ganh tị, bắt nạt. Và xu hướng chỉ trích người khác hay đổ lỗi cho nạn nhân.
Người có cơ chế phóng chiếu có thể tạo ra một thế giới quan đầy thù địch. Nơi có qua nhiều người bị “ô nhiễm”. Bởi họ vô thức phóng chiếu những đặc tính mình không thích ở bản thân lên trên người khác.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra việc thường xuyên sử dụng cơ chế phóng chiếu để tự vệ có liên quan đến các các chứng bệnh như:
- Rối loạn nhân cách ranh giới
- Rối loạn nhân cách ái kỷ
- Rối loạn nhân cách kịch tích
- Chứng thái nhân cách
3. Nhận diện và vượt qua phóng chiếu trong tâm lý học
Phóng chiếu trong tâm lý học là một cơ chế tồn tại trong tiềm thức. Nên việc nhìn nhận ra nó có thể khá khó khăn. Song, không có nghĩa đây là điều không thể. Quá trình nhận diện và vượt qua phóng chiếu, bạn có thể bắt đầu từng bước cụ thể như sau:
Đầu tiên là tự vấn, thành thật về những thứ khiến bạn cảm thấy bất an và lo âu. Tiếp đến là nhìn nhận hành vi của chính mình. Xem bạn có đang vô thức phòng chiếu bất kỳ nỗi lo lắng nào của mình lên trên người khác hay không. Và hãy quan sát một cách thành thật với tâm thế không phán xét.
Quá trình này có thể mất nhiều thời gian và gây ra cảm giác khó chịu. Vậy nên việc đồng hành cùng các chuyên gia tư vấn tâm lý. Hay một trị liệu viên có thể sẽ giúp cho quá trình điều chỉnh của bạn trở nên dễ dàng hơn.
4. Kết
Có một câu nói tôi vô tình đọc được, rằng: “Lý do chúng ta luôn chạy theo đánh giá của người khác là bởi chính chúng ta cũng chưa định giá được chính mình”. Tôi có những chiêm nghiệm lại về cơ chế tâm lý phóng chiếu trong tâm lý học. Phải chăng chúng ta thường hay có xu hướng trốn tránh không dám sống đúng với con người mình, đều nằm ở nỗi sợ bị đánh giá thấp, bị phán xét? Hay phần nào nó nói lên việc ta đã không đủ bao dung và sự thấu hiểu với chính mình?
Trong chương trình EduStation, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung cũng đã có chia sẻ về khái niệm của hạnh phúc. Ông cho rằng trên đời có 3 cấp bậc của hạnh phúc. Cấp độ 1 về vật chất là “Có thật nhiều”. Cấp độ 2 về ý thức là “Cho đi thật nhiều”. Và cuối cùng Cấp độ thứ 3 chính là “Tự do được là chính mình”.
Có lẽ nhận thức được bản thân đang tồn tại những điểm tối nào, chấp nhận và dung hoà nó sẽ là một bài học lớn, mà ta cần phải hướng bản thân đi tìm. Tìm trước cả các bài học về kiến thức, về chuyên môn trong đời sống.
EDUFA hy vọng những chia sẻ vừa rồi có thể phần nào giúp bạn đọc có thêm những góc nhìn mới. Và cập nhật thêm thông tin hữu ích về cho mình.
Inner child: Đứa trẻ bên trong bạn liệu có đang bị tổn thương?
Morning pages: phương pháp rèn luyện tư duy tích cực mỗi ngày