Thiền chánh niệm dần trở nên được biết đến nhiều hơn khi con người bắt đầu chú ý tới việc chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Nếu bạn đã từng lắng nghe những bản pháp thoại. Hoặc thường xuyên đọc những cuốn sách selfcare thì chắc hẳn đã từng ít nhất vài lần được nghe và tiếp xúc với cụm từ này.
Nhưng bạn có đang thực sự hiểu đúng về bản chất của thiền chánh niệm? Chúng ta có những định kiến hay lầm tưởng nào đằng sau phương pháp luyện tập đã được khoa học công nhận về những lợi ích và giá trị của nó?
Vén màn những bí mật, đi tìm câu trả lời qua bài viết bên dưới của EDUFA!
1. Hiểu về bản chất thiền chánh niệm là gì?
Thực chất, khái niệm và các phương pháp thiền rất rộng lớn. Có vô vàn các kiểu thiền tập như: thiền tâm từ, thiền thư giãn, thiền siêu việt,…Và thiền chánh niệm là một nhánh trong đó. Được ứng dụng và biết đến phổ biến nhất trong đại chúng.
Mỗi một dạng thiền lại có những ưu điểm riêng. Nhưng sở dĩ thiền chánh niệm được tận dụng nhiều hơn cả bởi sự tiện lợi của nó. Đặc biệt với những người trẻ vốn đang mắc kẹt trong nhịp sống hối hả.
Chánh niệm ở đây được hiểu là khi ta sống trong thực tại với một tâm thế tự nhiên nhất, không can thiệp và phán xét. Mở lòng đón nhận như sự việc vẫn là, dù đó là hơi thở, suy nghĩ hay cảm xúc đang đến và ở chung quanh ta.
Bạn có thể dễ dàng vận dụng thiền chánh niệm ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Trái với suy nghĩ của nhiều người về hình ảnh khi thiền là phải tập trung ngồi ở một nơi yên tĩnh, lắng đọng. Chân bắt chéo và ngồi an tĩnh cả ngày.
Sống lành cho một năm mới trọn vẹn
2. Công dụng đến từ thiền chánh niệm là gì?
Không phải ngẫu nhiên mà phương pháp này trở nên phổ biến. Bởi những công dụng của nó đã được kiểm nghiệm và có đầy đủ minh chứng rõ ràng dựa trên các nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu của trường Đại học Harvard cho thấy, người trưởng thành mất khoảng 47% thời gian mỗi ngày để lang thang trong tâm trí, mà khó lòng tập trung.
Thông qua thiền tập chánh niệm, phương pháp này sẽ giúp bạn kiểm soát được ý thức, tận dụng tối đa được sức mạnh tâm trí. Từ đó cải thiện sức khỏe tinh thần.
Một số công dụng từ thiền chánh niệm có thể kể đến như:
+ Cải thiện giấc ngủ ngon và sâu hơn.
+ Giúp giải tỏa stress, căng thẳng.
+ Hỗ trợ điều trị sức khoẻ tâm thần, VD: Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn, trầm cảm, chứng rối loạn nhân cách, lạm dụng chất kích thích,…
+ Giảm cảm giác cô đơn ở người lớn tuổi.
+ Cải thiện khả năng xã hội thông qua việc giúp bạn mở lòng, yêu thương với những người xung quanh. Bên cạnh việc phát triển nội tâm mạnh mẽ hơn trước những công kích của người khác.
+ Nâng cao khả năng tập trung, tăng trí nhớ. Đồng thời giúp tinh thần tỉnh táo và trở nên minh mẫn hơn.
3. Cách vận dụng thiền chánh niệm đơn giản
3.1 Tập thiền với hơi thở
Như đã đề cập, bạn hoàn toàn có thể thực hiện thiền định bất cứ khi nào. Mà không cần các công cụ hỗ trợ.
Bước đầu để thiền định bạn chỉ cần tìm cho mình một không gian vắng lặng, yên tĩnh. Lựa chọn một tư thế thoải mái. Có thể là ngồi, đứng hoặc nằm (chắc chắn rằng bạn đủ tỉnh táo để không chìm vào giấc ngủ).
Phần lớn mọi người thường lựa chọn ngồi. Bạn có thể ngồi khoanh chân xuống sàn nhà, hoặc ngồi trên nệm. Nếu ngồi trên ghế thì hãy để đôi chân được chạm xuống đất.
Mắt nhắm nghiền hoặc nhắm hờ, rồi đưa toàn bộ sự chú ý của bản thân vào các giác quan hoặc hơi thở. Lựa chọn “hơi thở” sẽ là một mỏ neo thông minh, để bạn dễ dàng cảm nhận trạng thái hiện tại.
Hít thở thật sâu để cơ thể thư giãn, bình tĩnh hơn. Và mỗi khi hơi thở đi vào bạn nhận thức nó “tôi đang thở vào”. Tương tự như khi thở ra “tôi đang thở ra”.
Trong quá trình thiền tập này, những suy nghĩ bất nhất có thể trồi lên kéo bạn đi. Đừng lo lắng, điều này hoàn toàn bình thường. Bạn không cần phải phán xét hay cố gắng điều chỉnh, ngăn chặn nó.
Thay vào đó hãy nhận diện là mình đang có những suy nghĩ này, nhìn nhận nó một cách khách quan. Và đưa sự tập trung trở lại với mỏ neo là hơi thở của mình.
3.2 Tập thiền dành cho những ai bận rộn
Tuy nhiên, đối với những người trẻ bận rộn. Việc ngồi yên một chỗ và tĩnh lặng tập trung vào hơi thở có lẽ là điều không hề dễ dàng. Nhưng may mắn thay phương pháp thiền định này không chỉ giới hạn cách thức thực hiện ở phạm vi nhỏ như vậy.
Quay lại chủ đề sống trong chánh niệm, là sống trọn vẹn ở từng khoảnh khắc hiện tại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng viết: “Hãy trở lại với giây phút hiện tại, và cảm nhận cuộc sống thật sâu sắc. Đó là chánh niệm.”
Đơn giản mà nói, thực hiện thiền chánh niệm bạn chỉ cần mở rộng thế giới quan của mình, tập trung vào mọi thứ mà mình đang làm. Đó cũng là một dạng tập luyện của thiền chánh niệm.
Thay đổi bằng việc nhận thức bản thân trước tiên. Và dẹp loạn tâm trí với phương pháp thiền trong chánh niệm. Nó đơn giản như việc bạn bắt đầu quan sát, cảm nhận và làm mọi thứ một cách tập trung, chậm rãi hơn.
Ví dụ như: Khi đang ăn một quả táo, đừng vội vã, hãy quan sát nó, ngửi mùi hương và nhìn cách mà mình tiếp nhận, chạm vào món ăn. Làm tất cả trong một tâm thế thật chậm với các giác quan của mình.
Hay khi lái xe hãy thử lắng nghe tiếng động cơ đang chạy, cảm giác và dòng suy nghĩ bạn lúc này trong tâm thế không can thiệp và phán xét.
4. Một số lưu ý khi tập thiền chánh niệm
Tư thế khi thiền đóng vai trò rất quan trọng đến hiệu quả của phương pháp này. Bạn chỉ nên lựa chọn tư thế thiền nằm khi bản thân đủ tỉnh táo cho cả quá trình tập.
Trường hợp thiền ngồi, thì hãy giữ cho cột sống lưng được thẳng. Tuy nhiên không cần quá gồng mà hãy để cơ thể thật tự nhiên và thoải mái. Tránh đổ dồn người về trước hay về sau quá nhiều.
Về tần suất tập thiền, nếu mới bắt đầu bạn có thể tập trong khoảng từ 5 – 10 phút 1 ngày. Sau đó nâng lên 30 phút, 1 tiếng tuỳ vào khả năng.
Morning pages phương pháp rèn luyện tư duy tích cực mỗi ngày
5. Kết
Có thể thấy thiền có rất nhiều công dụng trong việc cải thiện sức khỏe đời sống tinh thần. Dễ dàng và có thể thực hiện ở bất cứ đâu. Tất cả trở thành điểm cộng lớn để thiền chánh niệm trở thành phương pháp được nhiều người ứng dụng.
Bạn có suy nghĩ thế nào về thiền chánh niệm? Cho EDUFA biết suy nghĩ của bạn bên dưới nhé!