Hồ sơ xét tuyển học bạ ở nhiều trường Đại học năm nay có xu hướng giảm từ 10 – 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực hư vấn đề này như thế nào và nguyên nhân do đâu? Cùng EDUFA tìm hiểu qua bài viết bên dưới!
1. Hồ sơ xét tuyển học bạ năm 2023 ở các Đại học có xu hướng giảm
Năm 2023, Đại học Điện lực cho biết sẽ tuyển 1.300 sinh viên dựa trên xét tuyển kết quả học bạ THPT. Thời gian diễn ra từ ngày 01/03 – 20/06, tương tự năm 2022.
Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Toàn (Trưởng phòng Đào tạo của trường) cho biết, trường chỉ mới nhận được 2.000 hồ sơ. Trong khi năm ngoái con số này lên đến 4.000.
Ông Toàn nói thêm “Năm ngoái, mỗi ngày chúng tôi nhận một xấp hồ sơ. Nhưng năm nay chỉ lác đác”.
Trường Đại học Công nghiệp cũng vừa nhận được 2.000 hồ sơ xét học bạ. Song, con số này chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái. Và chưa bằng một nửa số chỉ tiêu dự kiến dành cho phương thức xét học bạ năm nay.
Trường Đại học Công nghệ TPHCM (Hutech) và Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM cũng chung tình trạng tương tự. Tuy mức giảm có ít hơn.
Ông Nguyễn Quốc An (Phó hiệu trưởng trường Hutech) cho biết trường hiện đã nhận được 3.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ (tính đến ngày 20/04). Giảm 1.000 hồ sơ so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, trường đã gia hạn thời gian nhận hồ sơ đến cuối tháng 4 (thêm 1 tháng so với ban đầu).
Tại Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM, lượng hồ sơ xét tuyển học bạ tại đây giảm khoảng 10%. Tuy nhiên, những ngành như Du lịch, Marketing, Truyền thông lại tăng. Và 10 ngày nữa trường sẽ kết thúc đợt xét tuyển học bạ.
Đọc thêm: Học sinh lớp 10 nay có thể xét tuyển Đại học
2. Nguyên nhân khiến hồ sơ xét tuyển học bạ giảm là gì?
2.1 Điểm chuẩn học bạ năm ngoái quá cao
Ông Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông thuộc Đại học Công nghiệp TPHCM) nhận định, nguyên nhân có thể đến từ việc điểm chuẩn xét tuyển năm ngoái quá cao. Dẫn tới việc nhiều sĩ tử e ngại và số lượng hồ sơ thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
Trong năm 2022, trường đã cho xét học bạ làm hai đợt. Điểm chuẩn đợt 1 trong phổ điểm từ 20 – 27,5 điểm. Sau khi xem xét hết các chỉ tiêu, trường tiếp tục cho xét tuyển học bạ đợt 2. Và ở lần này điểm chuẩn lên đến 29 điểm (tính theo học bạ năm lớp 12).
Ông Sơn nói thêm: “Thực tế, thí sinh liên hệ trường hỏi thông tin rất nhiều. Nhưng số hồ sơ nộp lại ít, không biết thí sinh xét tuyển ở đâu”.
2.2 Thời gian gấp rút
Mặt khác, đại diện Hutech nhìn nhận vấn đề trên có thể xuất phát từ việc kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức sớm hơn hai tuần. Dẫn tới việc các em đang tập trung ôn tập và thi học kỳ 2. Và không có nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ với các phương thức xét tuyển sớm.
2.3 Thí sinh nay đã có định hướng rõ ràng hơn
Ông Phạm Doãn Nguyên (Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM) lại cho rằng, việc bộ GD&ĐT năm nay công bố sớm về quy chế xét tuyển đại học. Kết hợp với các trường nay đã chú trọng đầu tư vào tư vấn hướng nghiệp cho học sinh đã có tác động không nhỏ. Các thí sinh nắm rõ hơn về lộ trình xét tuyển đại học. Thay vì rải hồ sơ ồ ạt như trước.
Ông Nguyên nói: “Các em năm nay sớm định hướng chọn Đại học, Cao đẳng, học nghề hay đi làm ngay. Không còn mơ hồ như những năm trước”.
Đọc thêm: Giảm điểm ưu tiên trong xét tuyển Đại học: Xoá bỏ thực trạng 30 điểm vẫn rớt
3. Hồ sơ xét tuyển học bạ giảm chưa phải tình trạng đáng lo
Ông Phạm Doãn Nguyên cho biết, những năm trước các trường cho xét tuyển sớm và công bố xét tuyển sớm. Do vậy, những thí sinh xét tuyển học bạ đợt đầu thường có lợi thế hơn. Nhưng năm nay dù xét tuyển sớm, thí sinh vẫn phải đăng ký lên cổng thông tin chung của Bộ. Điều này dẫn đến tâm lý bình thản để mọi thứ từ từ.
Chung nhận định, ông Trịnh Văn Toàn cho biết, thời gian nộp hồ sơ kéo dài. Và cách nộp cũng đơn giản nên thí sinh không cần quá vội vàng.
Vậy nên các chuyên gia nhận định không cần quá lo ngại hay hoang mang trước số lượng hồ sơ xét tuyển học bạ ở hiện tại.
“Các năm trước, số lượng hồ sơ nhiều nhưng tỷ lệ ảo cao. Năm nay, thí sinh lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng hơn dẫn đến lượng hồ sơ nộp về ít, hy vọng giảm tỷ lệ hồ sơ ảo”, ông Phạm Doãn Nguyên nói.
Theo thống kê năm 2022, đã có hơn 100 trường Đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ cho tuyển sinh. Trong hơn 520.000 thí sinh trúng tuyển Đại học, thì có gần 37,2% nhập học bằng xét tuyển học bạ. Tức phương thức này chỉ đứng sau hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (gần 48%).
Đọc thêm: Xét tuyển Đại học – 3 hình thức “chắc suất” cho sĩ tử