Một trong những câu hỏi thường xuyên được đặt ra với mình là: “Làm sao để biết mình đã chọn đúng?”. Nếu trả lời ngắn gọn: Mình không biết. Và thật lòng, mình nghĩ chẳng ai dám khẳng định chắc chắn điều đó.
Câu trả lời dài hơn? Chính là toàn bộ bài viết dưới đây.
Sự thật về những lựa chọn
Không ai có thể chắc chắn lựa chọn của mình là đúng cho đến khi họ nhìn lại có thể là sau vài năm.
Vì vậy, điều có ích nhất bạn có thể làm ngay lúc này là giảm thiểu khả năng đưa ra quyết định sai. Và điều giúp bạn làm được điều đó không phải là học giỏi hơn, đọc nhiều hơn hay xin lời khuyên từ người này người kia. Mấu chốt nằm ở việc hiểu rõ mình đang làm gì khi ra quyết định.
Hay nói cách khác: nâng cao khả năng tự nhận thức.
- Bạn từng chọn sai ngành chỉ vì chiều theo ý gia đình?
- Bạn chuyển việc liên tục vì không chịu nổi khi đồng nghiệp khiến bạn khó chịu?
- Bạn thường nói “mình ổn” trong khi cảm xúc bên trong đang hỗn loạn?
Khi thiếu đi sự tự nhận thức, bạn sẽ hành xử theo phản xạ, không khác gì một chiếc máy phản ứng với các tác nhân bên ngoài.
Không hiểu bản thân, bạn sẽ dễ lặp lại cùng một sai lầm, không phải vì bạn không đủ thông minh, mà vì bạn không thấy được lý do mình hành động như vậy.
Hiểu rõ về “tự nhận thức” là gì?
Với mình, tự nhận thức là khả năng quan sát bản thân một cách khách quan, hiểu mình là ai, cách người khác nhìn nhận mình ra sao, và làm sao để sống hoà hợp với môi trường xung quanh.
Cụ thể hơn:
- Quan sát bản thân: ý thức một cách chủ động về suy nghĩ và hành vi của mình.
- Hiểu mình là ai: từ cảm xúc nội tâm cho tới thông tin phản hồi từ người khác.
- Nhận thức xã hội: biết được người khác đang nhìn nhận mình thế nào.
- Hòa nhập với thế giới: tìm được điểm giao giữa con người thật và vai trò xã hội.
Hai kiểu tự nhận thức: bạn thấy và bạn cảm
Tự nhận thức có hai hình thái chính:
1. Tự nhận thức xã hội (Public Self-Awareness)
Đây là khi bạn ý thức được ánh mắt của người khác đang hướng về mình.
Ví dụ: bạn run khi nói trước đám đông, bạn viết rồi xoá một dòng trạng thái vì sợ “lố”, hay bạn điều chỉnh hành vi chỉ vì nghĩ người ta đang đánh giá mình.
Hình thái này giúp bạn cư xử đúng mực hơn, nhưng nếu bị chi phối quá nhiều, bạn dễ rơi vào trạng thái sống để làm vừa lòng người khác. Và dần dần, bạn không còn là chính mình mà là một phiên bản đang diễn vai.
Tuy vậy, “gương xã hội” này vẫn rất cần thiết để bạn biết mình cần chỉnh sửa điều gì.
2. Tự nhận thức cá nhân (Private Self-Awareness)
– Là những lúc bạn ở một mình, không cần giả vờ gì hết. Chỉ còn lại câu hỏi thành thật: “Mình đang cảm thấy thế nào?”
– Là khi bạn thoáng buồn vì ai đó không hồi âm. Là cảm giác tủi thân khi thấy người khác được khen. Là những khoảnh khắc nhỏ nhưng gợi lên cảm xúc thật nhất trong bạn.
Đây là lớp nhận thức sâu nhất nơi bạn bắt đầu hiểu rõ mình qua từng lựa chọn, từng phản ứng. Không nhìn thấy thì không thể điều chỉnh. Nếu bạn chưa bao giờ thật sự lắng nghe chính mình, thì rất khó để biết mình đang sống theo hướng nào.
Gợi ý để rèn luyện: viết nhật ký (tự do, không chỉnh sửa), thiền, hoặc đơn giản là ngồi yên vài phút mỗi ngày để “dọn dẹp đầu óc”.
Hai chiều thời gian trong tự nhận thức
Tự nhận thức không chỉ có chiều sâu mà còn có chiều thời gian. Nó hoạt động ở cả hai tầng: ngắn hạn và dài hạn.
1. Nhận thức ngắn hạn
Tức là khả năng nhận diện cảm xúc ngay tại thời điểm xảy ra.
Ví dụ: khi ai đó góp ý khiến bạn khó chịu, thay vì phản ứng ngay, bạn dừng lại và tự hỏi: “Tại sao mình lại thấy bực?”, “Điều gì đang khiến mình phản ứng vậy?”
Một mẹo nhỏ là chuyển câu hỏi từ “Tại sao” (Why) sang “Cái gì” (What).
- “Sao họ lại nói mình vậy?” → dễ đổ lỗi.
- “Mình chưa ổn ở chỗ nào? Mình có thể sửa điều gì?” → giúp bạn chủ động cải thiện.
2. Nhận thức dài hạn
Là quá trình tìm ra những mô thức hành vi, niềm tin ẩn sâu, hay động cơ phía sau các quyết định.
Bạn chọn công việc này vì thực sự thích hay chỉ vì sợ thất nghiệp? Bạn chiều lòng người khác vì bạn tốt hay vì sợ bị bỏ rơi?
Nếu không “soi” lại chính mình, bạn sẽ dễ bị cuốn vào chế độ sống tự động, cứ làm, cứ chọn, cứ theo mà không biết “vì sao”.
Muốn rèn luyện chiều sâu này, bạn cần tích lũy dữ liệu từ nhận thức ngắn hạn: ghi lại cảm xúc, quan sát cách mình phản ứng, và lắng nghe phản hồi từ người khác.
Càng làm thường xuyên, bạn sẽ có “cơ sở dữ liệu” phong phú để hiểu chính mình một cách rõ ràng hơn.
Lời kết
Tự nhận thức không khiến bạn hơn người khác, nhưng giúp bạn ít khi phản bội chính mình. Bạn không cần phải trải qua mọi biến cố mới trưởng thành. Bạn chỉ cần biết mình đang sống thế nào, để nhận ra đâu là điều nên giữ, và điều gì đã đến lúc buông bỏ.
Tự nhận thức không khiến bạn đi nhanh hơn, nhưng nó giúp bạn ít phải quay đầu lại. Và đôi khi, như vậy là đủ để bạn không lãng phí thêm 5 năm sống theo quán tính.
Xem thêm: Làm sao để cân bằng giữa lòng tốt và quyền lợi cá nhân?