Áp lực đồng trang lứa và những tác động tiêu cực đối với vấn đề sức khỏe tinh thần, đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Liệu rằng giới trẻ ngày nay có đang quá nhạy cảm, hay đằng sau đó là những áp lực vô hình mà chúng ta chưa từng biết tới? Cùng EDUFA nhìn nhận lại vấn đề này nhé!
I. Giới thiệu
Áp lực đồng trang lứa (Peer pressure) được hiểu đơn giản là trạng thái ai đó cảm thấy bị áp lực dồn nén khi so sánh bản thân với một những người bằng độ tuổi.
Ví dụ: Chứng kiến một người bạn có thành tích tốt hơn trong khi mình mãi loay hoay không tiến bộ. Điều này khiến một số học sinh cảm thấy áp lực, đặc biệt khi cả hai đều trong cùng một môi trường phát triển.
Có thể thấy trong văn hoá phương Đông, việc so sánh con cái với một nhân vật “con nhà người ta” dường như đã trở thành chuyện thường nhật.
Thực tế, đây không hẳn chỉ là những lời góp ý hay so sánh mang hàm nghĩa tích cực. Trái lại nó còn mang đến nhiều hệ quả xấu về mặt tinh thần cho những đối tượng bị so sánh. Khiến các em cảm thấy mình thua thiệt, kém cỏi, sinh ra tâm thế thích so bì, ganh ghét.
II. Nguyên nhân dẫn đến Áp lực đồng trang lứa:
Cạnh tranh về vị trí trong lớp học và địa vị xã hội, công việc:
Chính việc phân loại xếp hạng học sinh dựa trên thành tích đã góp phần không nhỏ gây nên vấn đề Áp lực đồng trang lứa. Đồng thời sự cạnh tranh công việc trên thị trường hiện tại cũng đẩy vấn đề này lên căng thẳng hơn.
Nỗi sợ về việc bị bỏ lại:
Xu hướng của con người chính là mong muốn được hòa nhập với cộng đồng. Vậy nên khi chứng kiến những người đồng trang lứa phát triển nhưng mình vẫn chững lại, điều này gây ra căng thẳng và áp lực lớn cho nhiều bạn trẻ.
Áp lực từ gia đình và xã hội:
Gia đình với những kỳ vọng đối với những đứa trẻ có thể đẩy chúng vào những căng thẳng trầm trọng.
Đặc biệt đối với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội. Những hình ảnh về sự thành công, hạnh phúc của nhiều người luôn được phô bày trước mắt. Quá nhiều thứ khiến các bạn trẻ choáng ngợp, từ đó dẫn đến sự so sánh và cảm thấy tự ti về bản thân.
Vậy làm thế nào để nhận biết chúng ta đang bị Áp lực đồng trang lứa?
III. Dấu hiệu nhận biết Áp lực đồng trang lứa:
- Rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng thường xuyên.
- Có xu hướng thường xuyên so sánh bản thân và cảm thấy tự ti, mặc cảm.
- Dần mất kết nối với những người xung quanh vì sợ cảm giác bị so sánh.
- Suy nghĩ quá nhiều thậm chí dẫn đến tình trạng mất ngủ.
- Dễ cảm thấy áp lực, tinh thần kiệt quệ, dễ gắt gỏng, bực tức.
IV. Hậu quả của Áp lực đồng trang lứa
- Tác động tiêu cực đối với tinh thần và gây ra căng thẳng, lo âu, thậm chí là nguy cơ dẫn đến trầm cảm.
- Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất do rối loạn giấc ngủ hoặc tình trạng bỏ bê bản thân.
- Thể hiện sự ganh đua mạnh mẽ, thậm chí tiêu cực gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác.
- Xu hướng làm giảm áp lực bằng cách tiêu tiền hoặc tham gia vào hành vi rủi ro.
V. Cách để vượt qua Áp lực đồng trang lứa
A. Xây dựng sự tự tin và tình yêu với bản thân
Bắt đầu bằng việc nhận ra chúng ta là bản thế riêng biệt và duy nhất. Không giới hạn giá trị bản thân ở những vật chất và thành tựu bên ngoài. Tập yêu bản thân với những điều cơ bản mà bạn có.
Bạn có thể lựa chọn việc viết journal – Nhật ký ghi lại những suy nghĩ và những câu chuyện hằng ngày. Hoặc tập viết nhật ký biết ơn để hình thành thói quen tư duy tích cực và có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị của bản thân.
B. Xây dựng mục tiêu cá nhân
Thay vì tập trung chú ý vào thành tích của người khác và chìm đắm trong so sánh tiêu cực và Áp lực đồng trang lứa. Chúng ta có thể vượt thoát ra bằng việc tập trung vào hành trình phát triển bản thân.
Bởi lẽ thành quả mà bạn đang nhìn thấy không đơn thuần dễ dàng đạt được hay chỉ là do may mắn, mà ai cũng cần có quá trình nỗ lực và phát triển của riêng họ, những khía cạnh mà bạn chưa từng thấy.
Khi xác nhận được mục tiêu và từng bước hoàn thiện nó, quá trình này sẽ giúp giải phóng Dopamine – Hormone hạnh phúc, khiến bạn tìm được động lực để hoàn thiện và phát triển con đường của mình.
C. Cân bằng giữa công việc, học tập và giải trí
Quá trình học tập và phát triển sẽ là một hành trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực và duy trì bền bỉ. Vậy nên hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi thư giãn hợp lý tránh gây quá tải về mặt tinh thần.
D. Kết nối lành mạnh với những mối quan hệ xung quanh
Kết nối cùng trò chuyện với những mối quan hệ xã hội lành mạnh sẽ giúp ta cảm thấy được ủng hộ và không còn đơn độc trên chặng đường đối mặt với áp lực. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm đến sự giúp đỡ từ những chuyên gia tư vấn tâm lý, hay các nhà trị liệu để được hỗ trợ vượt qua tình trạng áp lực của bản thân.
VI. Kết luận
Áp lực đồng trang lứa là một thách thức quan trọng mà nhiều bạn trẻ đang phải đối mặt. Tuy nhiên, thông qua việc hiểu rõ nguyên nhân, tác động và cách ứng phó, chúng ta có thể vượt qua và xem đây là cột mốc để phát triển toàn diện.
Đọc thêm: Để con tự do không phải là phó mặc