Trầm cảm là vấn đề nổi trội gần đây. Vậy bạn sẽ đối mặt với căn bệnh này như thế nào? Nếu một ngày “đại dương đen” chạm ngõ cận kề?
Tìm hiểu thông tin chi tiết về trầm cảm tại ĐÂY
Bạn em bị trầm cảm, em phải làm sao để giúp bạn ấy đây?
Dòng tin nhắn của một người em quen biết hiện lên trên khung chat. Bất chợt gợi cho tôi bao niềm suy nghĩ.
Tôi trả lời em, trường hợp của mỗi người một khác. Không có mẫu số chung hay đáp án nào là đúng tuyệt đối.
Tuy nhiên trong vai trò là người cũng từng ở trường hợp tương tự, chị chia sẻ câu chuyện của bản thân. Còn xử trí phần sau ra sao cho hợp lý để “liệu cơm gắp mắm”. Phần này là ở em.
Một người bạn chị quen trên mạng bị trầm cảm nặng. Kỳ lạ là đây cũng là lý do để chị gắn bó cùng bạn. Gia đình toxic và bạn không thể tìm thấy điểm tựa tinh thần nào cả, sau vài năm “vật lộn” một mình bạn và chị tìm thấy nhau.
Trong tâm thế của một người khao khát cho đi và một kẻ đang chết chìm cần tìm khúc gỗ nổi.
Bọn chị dính nhau, 2 giờ sáng bạn gọi điện cho chị. Bạn bảo rằng mình đang bị cơn căng thẳng và làn sóng trầm cảm đang ùa ra bao vây lấy bạn. Chị ngẩn ngơ, tỉnh cả ngủ. Dùng hết vốn liếng tiếng Anh ít ỏi dỗ cho bạn ngủ rồi thiếp đi bên chiếc điện thoại lúc nào không hay.
Nghĩ mình thương người, mà nhìn kỹ thì không phải. Bản chất thiếu yêu thương và mong cầu sự công nhận, khiến chị “nghiện” cảm giác được trao đi.
Thấy mình có giá trị, người ta cần mình là nguyên liệu chính để bản ngã được thỏa mãn. Và lý do giúp người có khi còn chỉ là điều kiện đính kèm. Nhưng việc chị muốn giúp bạn vẫn là thật.
Tuy nhiên căn bệnh trầm cảm không phải là thứ dễ đối đầu, hơn cả nó còn có tính lây lan nhanh.
Bản thân chị còn chưa “quân bình” lúc vui, lúc buồn thì làm sao mà hỗ trợ người ta toàn tâm, toàn ý được.
Cần phải nhận thức rõ “thuốc” thực sự của người bạn kia là từ trong tâm mà ra. Chị bất quá chỉ có thể đứng bên cạnh hỗ trợ phần nào.
Nhưng lúc đó trong tầng nhận thức của mình chị không đủ hiểu. Mà tự biến mình thành chỗ dựa toàn phần của bạn.
Cho đến lúc bản thân cũng hết nguồn năng lượng. Chị cạn kiệt dần rồi nói ra những lời làm tổn thương đôi bên
Chính chị cũng chẳng ổn thì làm sao giúp người ta được. Và kể cả khi có là một bác sĩ tâm lý, họ cũng không để bệnh nhân bị lệ thuộc quá nhiều. Thay vào đó là giúp các bệnh nhân hiểu. Rằng chính họ mới là người có thể cứu bản thân mình.
Như thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng nói : ” Đừng nghĩ quá nhiều về việc phải làm ngay điều gì đó cho người khác – Cần phải đặt vấn đề cuộc sống của bản thân mình lên trước.
Cuộc sống của bạn phải an lành, phải vui vẻ, phải hạnh phúc. Khi đó bạn mới có thể hành động để tạo ra niềm vui và hạnh phúc (cho người khác).
Chuyện cũng giống như khi ta ngồi dưới gốc của một cái cây vậy. Cái cây chẳng phải làm gì. Trừ việc sống khỏe mạnh và tươi tắn, nhưng vẫn khiến ta thấy dễ chịu. Khi bạn sống như cái cây đó và lan tỏa làn sóng tươi mới. Bạn đã giúp giảm bớt sự đau khổ của người khác rồi.”
Thấu hiểu để đổi thay
Thật vậy, giả sử nếu em có 10 đồng tiền thì khi người ta có xin, em mới có thể cho bạn. Còn chẳng may em chỉ có 2 đồng, em lấy gì để cho? Vậy nên hãy quan tâm chăm sóc chính cái tâm mình cho vững trước trước. Mình có đủ vững, đủ cứng thì mới có thể giúp người.
Lấy những ví dụ trên không phải muốn nói với em rằng hãy phó mặc cho bạn. Mà khi tiếp xúc với người bạn của mình, hãy thật dịu dàng quan tâm đến cảm xúc của bạn ấy và cả chính em.
Lắng nghe những điều người bạn đó chia sẻ và cũng đồng thời quan sát tâm mình. Em có ổn không khi tiếp nạp những câu chuyện, nguồn năng lượng đó.
Nếu không thì hãy tạm ngưng lại, nói với người bạn ấy rằng “Hiện thời tớ đang chưa ổn lắm. Vậy cho nên tớ cần thời gian yên tĩnh một chút, khi nào tớ bình tâm hơn, chúng ta hãy cùng tiếp diễn câu chuyện nhé!”
Bảo vệ cho cảm xúc của chính mình em mới có đủ nội lực để đồng hành cùng bạn lâu dài. Từ sự thay đổi tích cực nơi bản thân, em cũng một phần nào đó tác động tích cực đến người xung quanh, mà cụ thể là người bạn của mình.
Gửi đến em cái ôm và chúc em những ngày bình yên nhất!
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Rèn tâm bằng tập thể dục – Tại sao không?