Tắm rừng, hay còn được biết đến với tên gọi “shinrin-yoku” trong tiếng Nhật, là một phương pháp trị liệu tự nhiên xuất phát từ Nhật Bản. Phương pháp này được cho là sẽ giúp bạn kết nối lại với chính mình thông qua việc đắm chìm vào không gian tự nhiên. Vậy thực hành shinrin-yoku sẽ như thế nào? Cùng EDUFA khám phá ngay!
Tắm rừng là gì?
Tắm rừng, hay còn được biết đến với tên gọi “shinrin-yoku” trong tiếng Nhật, là một phương pháp trị liệu tự nhiên xuất phát từ Nhật Bản vào năm 1982. “Shinrin” có nghĩa là rừng, còn “yoku” nghĩa là tắm. Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản đã khuyến khích áp dụng phương pháp này nhằm thúc đẩy lối sống gần gũi với thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Khái niệm tắm rừng không đơn thuần là việc tắm trong nước giữa rừng, mà là việc hòa mình vào không gian tự nhiên thông qua các hoạt động như đi bộ, thiền, yoga. Chúng ta sẽ sử dụng tất cả các giác quan để cảm nhận và kết nối với thế giới tự nhiên – từ việc ngửi mùi cây cỏ, nghe tiếng lá xào xạc, đến cảm nhận làn gió và ánh nắng trên da.
Lợi ích của tắm rừng
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Theo Quing Li, tác giả cuốn sách Nghệ Thuật Tắm Rừng Của Người Nhật, việc tiếp xúc với cây cối giúp con người suy nghĩ thông suốt hơn, tăng cường sáng tạo và khiến người ta trở nên tử tế hơn. Ngoài ra, tắm rừng còn mang đến giấc ngủ sâu hơn và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Về mặt sinh lý, tắm rừng giúp cải thiện hệ miễn dịch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đắm mình trong thiên nhiên có thể làm tăng lượng tế bào tiêu diệt tự nhiên (natural killer cells), giúp cơ thể phòng ngừa các vi khuẩn và vi rút hiệu quả hơn.
Ba bước đơn giản để tắm rừng
Bước 1: Chọn địa điểm phù hợp
Điều đầu tiên cần làm là tìm một không gian xanh gần bạn. Mặc dù tên gọi là tắm rừng, bạn không nhất thiết phải đến một khu rừng lớn. Một công viên nhiều cây xanh, một vườn cây trong khu dân cư hay thậm chí không gian cây cảnh trong nhà cũng có thể trở thành nơi lý tưởng.
Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm thực sự, hãy thử đến một khu rừng tự nhiên. Ở Việt Nam hiện có hơn 34 khu rừng quốc gia, nhiều nơi trong số đó là địa điểm phù hợp cho hoạt động thăm quan, trekking và tắm rừng.
Quing Li từng chia sẻ rằng để mở khóa năng lượng của thiên nhiên, chúng ta cần sử dụng cả năm giác quan: thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Do đó, hãy chọn một nơi mà bạn có thể cảm nhận được âm thanh, mùi hương, và sự tươi mát của tự nhiên theo cách riêng của mình.
Bước 2: Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi
Trước khi bắt đầu hành trình, hãy chuẩn bị những vật dụng cần thiết như đồ ăn nhẹ, nước uống, và một số dụng cụ y tế cơ bản nếu cần thiết. Các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng nên được tắt hoặc để ở chế độ im lặng để không làm gián đoạn trải nghiệm. Đừng quên kiểm tra sức khỏe nếu bạn có bất kỳ bệnh nền nào và luôn mang theo thuốc phòng trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, bạn có thể thử làm bài kiểm tra tâm trạng POMS (Profile of Mood States) trước và sau khi tắm rừng để so sánh sự thay đổi cảm xúc. Đây là một cách thú vị để đo lường hiệu quả của buổi tắm rừng.
Bước 3: Thực hiện tắm
Tắm rừng là hoạt động nhằm tận dụng tối đa các giác quan để cảm nhận thiên nhiên. Bạn có thể tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau như đi bộ, thiền, yoga, vẽ tranh, hoặc thậm chí làm thủ công như gốm sứ. Nếu đi bộ, hãy chọn những con đường thoải mái và phù hợp với sức khỏe của bạn.
Thời gian lý tưởng để thực hiện tắm rừng là từ 2-4 tiếng, nhưng nếu có thời gian rảnh rỗi, bạn có thể lên kế hoạch cho một chuyến đi dài hơn, như 3 ngày 2 đêm, để thực sự hòa mình vào thiên nhiên. Khi đi chân đất trên cỏ, lắng nghe tiếng nước chảy, ngắm nhìn những chi tiết nhỏ của lá cây, hay đơn giản chỉ là hít thở không khí trong lành, bạn sẽ dần khám phá được giác quan thứ sáu – khả năng cảm nhận sâu sắc về thế giới xung quanh.
Khi đã đắm chìm hoàn toàn trong không gian tự nhiên, hãy nhắm mắt lại, tự hỏi bản thân về những điều đang trải qua và ghi nhớ cảm giác bình yên ấy. Để thấy rằng tắm rừng không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn là phương pháp phục hồi tâm hồn, giúp chúng ta tái tạo năng lượng và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.