Thiền yêu thương không gò bó ép bạn phải không suy nghĩ. Thay vào đó chúng ta hoàn toàn có thể ngồi tưởng tượng và ôm ấp sự yêu thương.
1. Nguồn gốc và công dụng của thiền yêu thương
Thiền yêu thương (Metta meditation) hay còn được gọi với cái tên khác là thiền từ tâm. Có nguồn gốc từ phương pháp thiền truyền thống của Phật giáo Ấn Độ. Về lịch sử, phương pháp này đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước.
Hiện tại, nó có rất nhiều biến thể về cách thực hiện. Song, mục đích chính của kỹ thuật này chính là đọc những cụm từ tích cực, nhằm nuôi dưỡng năng lượng yêu thương từ chính bản thân bạn.
Dựa trên nghiên cứu từ Đại học North Carolina và Michigan (2008) việc thực hiện phương pháp thiền từ tâm trong vòng 7 tuần có những công dụng sau:
– Gia tăng cảm xúc tích cực như vui vẻ, hài lòng, biết ơn
– Giảm bớt các triệu chứng lo âu, trầm cảm
– Cải thiện các bệnh mãn tính về thể chất như đau đầu, nhức mỏi
– Làm chậm lại quá trình lão hoá (đặc biệt ở nữ giới)
2. Cách thức thực hiện thiền yêu thương
Bài thiền với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Helen Weng và Thạc sĩ Candace Hander, sẽ được thực hiện trong thời gian từ 5 – 45 phút mỗi ngày. Để đạt được hiệu quả bạn cần thực hiện kéo dài trong vòng ít nhất là 2 tuần.
Bước 1: Chuẩn bị không gian, âm thanh và mùi hương
Tắt hết các thiết bị có thể khiến bạn bị xao nhãng và lựa chọn cho mình một góc không gian yên tĩnh, nơi không bị làm phiền. Lý tưởng hơn bạn hãy bật thêm những bài nhạc không lời thư giãn hoặc tiếng ồn trắng để làm nền cho buổi tập thiền. Kèm với đó là hương tinh dầu thơm dễ chịu để làm toàn bộ cơ thể bạn thoải mái.
Nếu trong nhà không có máy phun tinh dầu thì cũng đừng lo, mẹo nhỏ là bạn có thể đổ nước nóng vào chén hoặc ly, rồi sau đó thêm 3 – 5 giọt tinh dầu, để toả hương thơm. Sự kết hợp độc đáo này được gọi là phương pháp thiền kết hợp mùi hương và âm thanh.
Bước 2: Chọn tư thế phù hợp để thiền yêu thương
Lựa chọn tư thế phù hợp là bước đầu quan trọng. Bởi bạn cần một tư thế vừa đủ để duy trì sự thoải mái, đồng thời có thể giữ vững sự tập trung trong thời gian dài. Vậy nên tư thế nằm thường không được khuyến khích lắm. Bởi nó có thể khiến bạn chìm sâu vào giấc ngủ khi nào không hay.
Vậy các quy tắc nào cần đáp ứng để có một tư thế chuẩn chỉnh?
– Cơ mặt thả lòng với mắt nhắm hờ
– Lưng kéo thẳng trong khi lồng ngực mở rộng
– Cổ và vai không gồng cứng
– Phần cằm hạ thấp để hít thở dễ dàng hơn
– Hai tay thả lỏng hoàn toàn trong khi đặt trên đầu gối
– Thả lỏng hông, đùi rời khỏi mặt phẳng bạn đang ngồi.
Khi đã tìm được tư thế phù hợp, chúng ta sẽ bắt đầu từ từ nhắm mắt và hướng suy nghĩ vào hơi thở, trong khi cảm nhận không gian xung quanh.
Bước 3: Nói lời yêu thương với bản thân
Đây là phần quan trọng nhất của thiền yêu thương với 2 hành động cốt lõi: chiêm nghiệm và cầu bình an cho bản thân. Quá trình này đi đúng với “kim chỉ nam” rằng chúng ta phải biết yêu thương và trân quý chính mình thì mới có thể thực sự gieo yêu thương, lan tỏa đến những người xung quanh.
Trước tiên, hãy hít thở thật sâu và tưởng tượng về một khoảng thời gian bản thân bạn cảm thấy khó khăn về mặt tinh thần/thể chất. Quan sát xem cách bạn phản ứng với vấn đề này như thế nào? Bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào dấy lên cũng đừng quá lo. Bởi đây cũng chính là mục đích của hoạt động này, để bạn nhận diện và đối mặt với những “vết thương” trong vòng 15 – 30 giây.
Kế đó, hãy tiếp tục tưởng tượng xem bản thân đã kết thúc những phiền muộn như thế nào. Ví dụ như xuất hiện luồng sáng trắng ôm ấp lấy bạn và xoa dịu bạn theo từng nhịp thở.
Tương ứng với mỗi lần thở ra, hãy bắt đầu niệm các câu thần chú như:
– Mong tôi được bình yên
– Mong tôi được khỏe mạnh
– Mong tôi tránh được nỗi đau đớn, sợ hãi, lo lắng
– Mong tôi nhận ra nguồn cơn của giận giữ, thèm khát và lừa dối trong mình
Lưu ý nhỏ, nếu trong quá trình thực hiện, bạn bị phân tâm thì hãy hướng suy nghĩ trở lại với hình ảnh và suy nghĩ tích cực, rồi lặp lại những câu trên.
Bước 4: Nguyện cầu yêu thương cho người khác
Dành một khoảng nghỉ để thoải mái hơn và bắt đầu bước 4, tương tự như bước 3, nhưng lần này đối tượng bạn nghĩ đến sẽ là những người xung quanh.
Lần lượt với 3 đối tượng sau:
– Người bạn yêu thương
– Người bạn cảm thấy “bình thường”, không yêu, không ghét
– Người bạn có mâu thuẫn hoặc không thoải mái khi ở cạnh họ
Lưu ý, lúc này chúng ta sẽ đổi ngôi xưng cho phù hợp như “Mong bạn được bình an, khoẻ mạnh”. Ngoài ra, bạn cũng có thể thay đổi câu cầu nguyện sao cho phù hợp với mong muốn bản thân, mà lại không quá gượng ép.
3. Tổng kết
Tương tự như những phương pháp chữa lành khác, thiền yêu thương có thể khá gượng gạo cho những ai không quen tới việc bày tỏ tình yêu thương, sự biết ơn. Đặc biệt hơn khi nó yêu cầu người thực hiện cần phải có sự nhẫn nại và thực hiện lâu dài để thấy được những biến chuyển.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ hiệu quả hơn nếu bạn biết ứng dụng nó bằng suy nghĩ và hành động thiết thực trong đời sống hằng ngày. EDUFA mong rằng những chia sẻ trên sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc một công cụ mới trên hành trình “chữa lành” và tập yêu bản thân mình.
Đọc thêm: Morning pages phương pháp rèn luyện tư duy tích cực mỗi ngày