Khi bạn rơi vào trạng thái không muốn làm gì cả, dù là học hành, làm việc hay đơn giản là dọn dẹp nhà cửa, rất có thể bạn đang gặp phải tình trạng thiếu động lực. Đây là một trạng thái tâm lý phổ biến nhưng nếu không xử lý đúng cách, nó có thể khiến bạn trì hoãn, mất phương hướng và cảm thấy ngày càng bế tắc.
Bài viết dưới đây, EDUFA sẽ gợi ý những giải pháp thiết thực giúp bạn từng bước lấy lại động lực để quay trở lại guồng quay cuộc sống.
Đừng chờ cảm hứng mới bắt tay vào làm việc
Thực tế cho thấy cảm hứng không phải lúc nào cũng tự nhiên xuất hiện. Nếu bạn chờ đến khi “có hứng” mới làm việc, có thể bạn sẽ phải chờ rất lâu.
Một chiến lược hiệu quả là hành động như thể bạn đã có động lực: hãy đứng dậy, thay đồ, bật máy tính lên hoặc dọn dẹp bàn học. Những bước khởi đầu nhỏ này có thể kích hoạt tâm lý tích cực và kéo theo chuỗi hành động tiếp theo.
Học cách thách thức những suy nghĩ tiêu cực
Một trong những rào cản lớn nhất gây thiếu động lực là những suy nghĩ tiêu cực như “Tôi không thể làm được”, “Mình sẽ lại thất bại thôi”.
Hãy học cách nhận diện và phản biện lại chúng. Tự hỏi: “Bằng chứng nào cho thấy tôi sẽ không làm được? Có điều gì từng chứng minh tôi đủ khả năng không?” Việc thay đổi tư duy sẽ giúp bạn mở ra góc nhìn tích cực hơn và tạo tiền đề để hành động.
Dành cho chính mình sự thấu cảm
Khi rơi vào trạng thái mất động lực, nhiều người thường có xu hướng trách móc bản thân: “Tại sao mình lại lười đến thế?”, “Mình thật vô dụng”. Tuy nhiên, những lời chỉ trích ấy chỉ khiến bạn càng thêm trì trệ.
Thay vào đó, hãy đối xử với chính mình như một người bạn: động viên, thông cảm và khích lệ. Lòng từ bi không chỉ làm dịu cảm xúc tiêu cực mà còn giúp bạn có đủ bình tĩnh để tiếp tục hành trình.
Quy tắc 10 phút để lấy lại động lực
Khi nhiệm vụ trước mắt quá khó hoặc quá nhàm chán, hãy áp dụng quy tắc 10 phút: cam kết chỉ làm việc đó trong vòng 10 phút. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng, một khi đã bắt đầu, bạn thường sẽ muốn tiếp tục thay vì dừng lại. Đây là cách đơn giản để vượt qua rào cản “khởi động” vốn là phần khó khăn nhất trong bất kỳ công việc nào.
Đưa tâm trí thoát ra vòng luẩn quẩn
Thiếu động lực có thể là dấu hiệu cho thấy não bộ bạn đang quá tải và cần được nghỉ ngơi. Việc đi dạo ở công viên, ngồi bên hồ nước hay đơn giản là chăm sóc cây cảnh tại nhà có thể giúp làm dịu căng thẳng tinh thần, cải thiện tâm trạng và giúp bạn hồi phục năng lượng tích cực để quay trở lại làm việc.
Kết hợp với những hoạt động bạn thích để kích hoạt động lực
Nếu bạn đang cảm thấy khó bắt tay vào những công việc mình không thích, hãy thử “đính kèm” chúng với một hoạt động dễ chịu. Ví dụ, nghe podcast yêu thích khi gấp quần áo, bật nhạc nền khi làm báo cáo. Sự kết hợp này giúp bạn cảm thấy công việc bớt nặng nề và tạo thêm lý do để bắt đầu hành động.
Sắp xếp lại danh sách việc cần làm
Một danh sách công việc quá dài có thể khiến bạn không biết bắt đầu từ đâu, dẫn đến cảm giác nản lòng. Thay vì cố gắng làm tất cả, hãy phân loại theo mức độ ưu tiên, xóa bỏ những việc không quan trọng và chia nhỏ nhiệm vụ lớn thành từng bước cụ thể. Khi nhìn thấy mình đang tiến triển từng chút một, bạn sẽ cảm thấy có động lực hơn để tiếp tục.
Duy trì tốt nền của động lực là tảng thể chất và tinh thần
Động lực không thể tồn tại nếu cơ thể bạn đang mệt mỏi, thiếu ngủ hay tinh thần đang kiệt quệ. Hãy đảm bảo bạn ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vận động nhẹ nhàng mỗi ngày và dành thời gian để thư giãn. Một cơ thể khỏe mạnh là nền tảng quan trọng giúp bạn có đủ năng lượng để theo đuổi mục tiêu dài hạn.
Tạo động lực bằng việc tự thưởng cho bản thân
Thiết lập phần thưởng nhỏ cho bản thân sau khi hoàn thành công việc là cách hiệu quả để duy trì động lực. Phần thưởng không cần quá lớn, có thể là một tách cà phê yêu thích, vài phút lướt mạng xã hội hay một tập phim giải trí. Cảm giác được công nhận, dù chỉ là từ chính mình, cũng đủ để bạn thấy việc cố gắng là xứng đáng.
Đừng ngần ngại tìm đến chuyên gia
Nếu bạn đã thử nhiều cách mà vẫn cảm thấy bất lực, không thể thoát khỏi sự trì trệ và mệt mỏi kéo dài, có thể đã đến lúc cần sự hỗ trợ chuyên sâu. Trầm cảm, lo âu và nhiều vấn đề tâm lý khác có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo và duy trì động lực. Tham vấn với nhà tâm lý học là bước đi đúng đắn để bạn hiểu rõ hơn về bản thân và tìm được giải pháp phù hợp.
Kết luận
Thiếu động lực không phải là dấu hiệu bạn lười biếng hay yếu kém. Đó chỉ là một trạng thái mà ai cũng có thể trải qua. Điều quan trọng là bạn biết cách nhận diện, thấu hiểu và đối xử nhẹ nhàng với chính mình trong giai đoạn đó.
Hãy thử từng chiến lược một cách linh hoạt, tìm ra điều phù hợp nhất và đừng quên rằng sự tiến bộ nhỏ mỗi ngày cũng là một bước tiến lớn trên hành trình phát triển bản thân.