ENFP là nhóm những người năng động, hoạt bát luôn tỏa ra những nguồn năng lượng tích cực. Vậy đâu là nhóm ngành phù hợp cho họ?
Ở bài viết này EDUFA sẽ cùng bạn tìm hiểu về đặc tính ưu, nhược điểm. Qua đó, đưa ra những sự lựa chọn để tham khảo về các ngành nghề tương thích của nhóm tính cách này.
1. ENFP là gì?
ENFP là 1 trong 16 nhóm tính cách thuộc trắc nghiệm tính cách MBTI (được sáng tạo bởi nhà Tâm thần học – Carl Jung). Thường được gọi với danh xưng khác là Người truyền cảm hứng. Nhóm này gồm có 4 yếu tố sau:
- Extraverted (hướng ngoại): Nạp năng lượng thông qua việc kết nối với nhiều người khác.
- Intuitive (trực giác): Khả năng suy luận và liên kết dựa trên góc độ chủ quan như biểu tượng, ý nghĩa
- Feeling (cảm xúc): Đưa ra quyết định dựa trên cảm nhận cá nhân
- Perceiving (Nhận thức): Có xu hướng hành động linh hoạt hơn là khô khan, đóng khuôn
2. Đặc điểm tính cách của ENFP
Vậy những Người truyền cảm hứng có đặc điểm gì trong tính cách? Đâu là những ưu, nhược điểm thường thấy ở nhóm này?
2.1 Điểm mạnh
Khả năng thấu cảm tốt
Đặc điểm dễ thấy nhất ở nhóm này là họ rất nhiệt tình và luôn quan tâm đến những người xung quanh. Ngoài ra, thì họ rất có khả năng trong việc đồng cảm với suy nghĩ và mong muốn của người khác.
Sở hữu những đặc tính tương đồng như nhóm NF, họ có lòng vị tha và luôn khao khát được giúp đỡ, định hướng cho những ai đang hoang mang, mất định hướng.
Giỏi ăn nói, hoạt ngôn
Sở hữu đặc tính hướng ngoại, thích giao lưu và kết nối với người khác. Vậy nên, không có gì lạ khi ENFP có mạng lưới bạn bè rộng khắp.
Chưa dừng lại, nhóm những Người truyền cảm hứng còn rất tài năng trong khoản ăn nói, giao tiếp. Vậy nên những công việc liên quan đến việc sử dụng ngôn từ sẽ rất phù hợp với họ. Ví dụ: MC, diễn viên,…
Dễ dàng thích ứng với môi trường mới
Có tư duy đổi mới, sáng tạo và năng động, thế nên ENFP chẳng “ngán” những tình huống phát sinh hay việc tiếp xúc với môi trường mới. Ngược lại, họ xem đây là thách thức tạo cho mình sự hứng khởi để phát triển toàn diện.
Thích sáng tạo
Sáng tạo là một phần sẵn có trong mỗi ENFP. Nhóm này cũng thường thích giải quyết mọi vấn đề theo phong cách cá nhân hoặc thử những điều mới, hơn là rập khuôn trong các quy chuẩn, khuôn khổ. Vậy nên, một trong những sở thích thường thấy của họ là viết lách, nghe nhạc, đọc sách,… những hoạt động kích thích sự liên kết, sáng tạo.
Luôn toát lên năng lượng tích cực
Nếu bạn bắt gặp ai đó luôn trong trạng thái vui vẻ, hứng khởi và là tâm điểm của mọi cuộc vui, thì nhiều khả năng đó có thể là người thuộc nhóm ENFP. Tất nhiên, không phải trùng hợp mà ENFP lại được gọi là Người truyền cảm hứng. Bởi năng lượng của họ rất dễ để truyền tải đến những người xung quanh và rằng họ cũng rất hứng thú, quan tâm tới việc được chia sẻ với người khác.
2.2 Điểm yếu
Dễ bị choáng ngợp
Khi có quá nhiều thứ phải làm và quá nhiều người để gặp gỡ, ENFP cũng có thể sẽ bị choáng ngợp như bao người. Tuy nhiên, chỉ cần nghỉ ngơi điều độ và phân bổ lại thời gian sao cho hợp lý, họ sẽ sớm lấy lại cân bằng.
Trì hoãn
Việc thích đi tìm cái mới mà không đi theo lề lối khuôn khổ cũng kèm theo những mặt trái của nhóm này – sự trì hoãn. Khi quá chú trọng vào kết quả, họ có thể quên đi việc mình cần phải hoàn thành tác vụ này sớm, dẫn đến việc trì hoàn trở thành điều không hề hiếm gặp.
Luôn cần sự công nhận
Mọi người đều truy cầu, mong muốn được công nhận và ENFP không ngoại lệ. Nhưng với mức độ “nặng đô” hơn, họ thậm chí sẽ thay đổi chính mình để có được sự công nhận từ người khác. Tuy nhiên, nếu mong muốn có được sự hạnh phúc chân thực, những Người truyền cảm hứng cần biết cách kiên định và nói “không”, thấu hiểu rằng họ không cần phải sống dưới sự kỳ vọng của người khác.
3. Những ngành nghề phù hợp với ENFP
Một công việc phù hợp với ENFP sẽ là những công việc gói gọn các từ khoá sau: sáng tạo, truyền cảm hứng, kết nối và linh hoạt.
Sở hữu sự hoạt ngôn trời ban và tính cách tự tin trong mọi cuộc hội thoại giao tiếp, ENFP là ứng cử viên sáng giá cho các vị trí công việc sau:
– MC
– Bác sĩ tâm lý học
– Nhà báo, phóng viên
– Y tá, điều dưỡng
– Hoạ sĩ
– Nhạc sĩ
– Ca sĩ
– Chính trị gia
– Nhân viên cộng đồng
Tương tự, cũng có một số ngành nghề khiến nhóm những Người truyền cảm hứng cảm thấy khó lòng thỏa mãn được mong muốn cá nhân, cũng như có sự tương thích về mặt tính cách. Ví dụ:
– Khoa học máy tính
– Kỹ thuật
– Nông nghiệp
– Tài chính
– Pháp luật
Bởi tính kỹ thuật và môi trường làm việc theo quy chuẩn nhất định có thể khiến ENFP cảm thấy bị gò bó và bị trói buộc sự tự do.
EDUFA mong rằng những gợi ý sau có thể mang đến cho bạn đọc những góc nhìn mới trong việc chọn ngành, chọn nghề. Đặc biệt là với những ENFP vốn đang loay hoay trong các sự lựa chọn của mình.