Trẻ em không chỉ nghe lời dạy của cha mẹ mà còn quan sát cách cha mẹ ứng xử hằng ngày. Theo tiến sĩ tâm lý học Juli Fraga – người có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần – những đứa trẻ có EQ cao và khả năng quản lý cảm xúc tốt thường được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ biết tự điều tiết cảm xúc của mình.
Dưới đây là 4 thói quen quan trọng mà cha mẹ có thể thực hành để giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc vững vàng.
1. Biết nhận diện và tôn trọng cảm xúc của bản thân
Cha mẹ có khả năng tự nhận thức cảm xúc sẽ giúp con học được rằng cảm xúc không phải thứ cần che giấu hay kìm nén. Khi bạn nói ra cảm xúc, ví dụ: “Hiện tại mình đang thấy lo lắng”, bạn đang công nhận điều mình đang trải qua – đây là bước đầu để hiểu và kiểm soát cảm xúc hiệu quả.
Việc làm này giúp trẻ hiểu rằng cảm xúc là một phần tự nhiên của cuộc sống, cũng quan trọng như ăn uống hay nghỉ ngơi. Nếu cha mẹ biết cách gọi tên cảm xúc và xử lý chúng lành mạnh, trẻ cũng sẽ học được cách làm điều tương tự trong những tình huống khó khăn.
2. Biết điều chỉnh cảm xúc để không ảnh hưởng tiêu cực đến con
Cảm xúc có thể lan truyền. Nếu bạn từng sợ hãi khi xem phim kinh dị, bạn sẽ hiểu rằng cảm xúc của người khác – dù là nhân vật hư cấu – cũng có thể ảnh hưởng đến mình. Trong gia đình, cảm xúc tiêu cực của cha mẹ cũng dễ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.
Thay vì phản ứng quá mức khi tức giận hay lo âu, cha mẹ nên dành thời gian để hít thở sâu, điều chỉnh trạng thái. Đây không phải là việc trốn tránh cảm xúc, mà là để không để cảm xúc chi phối hành vi – điều có thể làm tổn thương con trẻ. Một phụ huynh bình tĩnh sẽ tạo ra môi trường cảm xúc an toàn cho con.
3. Không gán nhãn cảm xúc là “tốt” hay “xấu”
Mỗi cảm xúc đều có lý do tồn tại. Sự tức giận có thể chỉ ra rằng bạn cần thiết lập giới hạn. Nỗi buồn thể hiện rằng điều gì đó quan trọng vừa xảy ra. Sự lo lắng có thể thúc đẩy bạn chuẩn bị tốt hơn. Việc gán nhãn cảm xúc thành “tốt” hay “xấu” dễ khiến cả cha mẹ và trẻ tránh né những cảm xúc khó chịu.
Hãy học cách quan sát cảm xúc mà không phán xét. Bạn có thể nói: “Mình đang cảm thấy buồn và mình biết điều này sẽ qua đi”. Khi cha mẹ biết chấp nhận và xử lý cảm xúc của chính mình, họ cũng sẽ dạy con cách làm điều đó một cách tự nhiên và lành mạnh.
4. Thường xuyên tự soi chiếu để hiểu nguồn gốc cảm xúc
Nhiều hành vi cảm xúc trong hiện tại được hình thành từ những trải nghiệm thời thơ ấu. Nếu trước đây bạn từng bị cha mẹ la mắng khi buồn hay bị bỏ mặc khi sợ hãi, rất có thể bạn sẽ học cách né tránh hoặc kìm nén cảm xúc tương tự khi lớn lên.
Tiến sĩ Juli Fraga khuyến khích cha mẹ tự hỏi: “Ngày xưa, cha mẹ mình phản ứng thế nào khi mình buồn, tức giận hoặc sợ hãi?” và “Giờ đây, mình muốn phản ứng khác đi với con như thế nào?”. Câu trả lời sẽ giúp bạn phá vỡ những mô thức cũ và tạo ra cách nuôi dạy con tích cực hơn.
Trẻ học cách quản lý cảm xúc không chỉ qua lời nói mà còn từ chính hành động của cha mẹ mỗi ngày. Khi bạn thực hành sự tỉnh thức cảm xúc, bạn đang trao cho con một món quà quý giá cho tương lai.