Thao túng tâm lý là hành vi có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần. Tìm hiểu thêm!
Trong cuộc sống, mỗi người đều cần thiết lập những ranh giới để bảo vệ chính mình. Thế nhưng, đôi khi chính những người thân thiết như bạn bè, người yêu, đồng nghiệp hay thậm chí là thành viên trong gia đình lại cố tình vượt qua những giới hạn ấy.
Những hành vi tưởng như nhỏ nhặt, nhưng lặp lại trong thời gian dài có thể là hình thức thao túng tâm lý, gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần. Dưới đây là 6 hành vi điển hình mà bạn không nên chấp nhận trong bất kỳ mối quan hệ nào.
1. Thao túng tâm lý bằng việc giảm nhẹ hoặc xem thường thành công của bạn
Đây là hành vi phổ biến đến mức đôi khi bạn không nhận ra mình đang là nạn nhân. Người thực hiện hành vi này thường cảm thấy ganh tị, nên cố tình xem nhẹ những gì bạn đạt được. Họ tìm cách phủ nhận nỗ lực của bạn để khiến bạn cảm thấy kém cỏi, và từ đó kéo bạn xuống ngang hàng với họ.
Những câu nói thường thấy là:
- “Thành tích đó ai mà chẳng làm được.”
- “Do may mắn thôi, chứ giỏi gì.”
- “Chuyện đó có gì to tát đâu.”
Lâu dần, nếu không tỉnh táo, bạn có thể mất đi sự tự tin và động lực của chính mình.
2. Gaslighting – Khi bạn bị nghi ngờ chính cảm nhận của mình
Gaslighting là một hình thức thao túng cực kỳ tinh vi, khiến bạn bắt đầu hoài nghi thực tế và cảm xúc của chính mình. Người thao túng sẽ liên tục phủ nhận sự thật, khiến bạn nghĩ rằng mình đang “phản ứng thái quá”, “quá nhạy cảm” hay “tưởng tượng quá nhiều”.
Ví dụ rõ nét thường thấy trong chuyện tình cảm là khi một người ngoại tình, nhưng thay vì thừa nhận, họ liên tục nói rằng bạn đang “gato”, “ảo tưởng”, hoặc “đa nghi vô lý”. Mục tiêu cuối cùng là làm bạn mất niềm tin vào chính mình để dễ kiểm soát hơn.
3. Thao túng tâm lý bằng việc liên tục chỉ trích và nhắc lại lỗi lầm
Không phải mọi lời góp ý đều xuất phát từ sự quan tâm. Có những người cố ý công kích cá nhân, liên tục nhắc đến sai sót cũ của bạn với mục đích khiến bạn cảm thấy mình kém cỏi, vô dụng.
Hành vi này đặc biệt phổ biến trong môi trường gia đình hoặc công sở. Thay vì giúp bạn cải thiện, họ khiến bạn luôn sống trong cảm giác tội lỗi và sợ hãi. Đây là cách thao túng khiến bạn dần mất khả năng phản kháng và buộc phải làm theo ý họ.
4. Đổ lỗi vô lý – “Con dê gánh tội”
Scapegoating xảy ra khi một người đổ hết trách nhiệm cho người khác, bất kể đúng sai. Họ chọn bạn làm “vật thế mạng” để né tránh hậu quả của mình, mà không quan tâm đến việc điều đó có công bằng hay không.
Ví dụ: Trong công việc, một người có kinh nghiệm có thể giao lại một nhiệm vụ thất bại cho người mới, rồi sau đó thoái thác trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Nếu điều này diễn ra liên tục, người bị thao túng có thể mất uy tín, bị cô lập và ảnh hưởng lớn đến tinh thần.
5. Theo túng tâm lý khi dựng “bức tường im lặng” – Stonewalling
Đây là khi một người từ chối giao tiếp, không phản hồi hay giải thích bất kỳ điều gì, đặc biệt trong các cuộc tranh luận hoặc khi mối quan hệ đang căng thẳng. Họ né tránh bằng sự im lặng và khiến bạn cảm thấy như đang nói chuyện với một bức tường.
Người sử dụng stonewalling thường có xu hướng kiểm soát tình huống bằng cách khiến bạn phải “xuống nước” hoặc cảm thấy mình sai. Những câu nói đặc trưng là: “Tùy em”, “Mệt rồi, không muốn nói nữa”, “Em nghĩ sao cũng được”…
Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi này nếu kéo dài có thể khiến mối quan hệ đổ vỡ do thiếu sự kết nối và giải quyết vấn đề.
6. Dùng đe dọa để điều khiển
Đây là một hình thức thao túng nguy hiểm và dễ nhận biết. Người thao túng đưa ra các điều kiện hoặc tối hậu thư để buộc bạn phải hành động theo ý họ, nếu không họ sẽ “làm lớn chuyện” hoặc chấm dứt mối quan hệ.
Ví dụ:
- “Nếu anh còn nói chuyện với người đó thì mình chia tay.”
- “Nếu em không làm theo, anh sẽ nghỉ việc và tất cả là lỗi của em.”
Trong một mối quan hệ lành mạnh, hai người cần có sự tôn trọng và tin tưởng, thay vì sử dụng những lời đe dọa để kiểm soát lẫn nhau.
Kết luận
Bạn không cần phải chấp nhận những hành vi tổn hại đến tinh thần của mình chỉ vì sợ làm mất lòng người khác. Việc lên tiếng, thiết lập giới hạn và rời xa những người thao túng là một bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe tâm lý. Dù đó là người thân, bạn bè hay người yêu, bạn luôn có quyền được đối xử bằng sự tôn trọng và chân thành.
Xem thêm: Chăm sóc sức khỏe tinh thần: cần làm gì cho một ngày quá tải?