Có chứng chỉ IELTS trên tay, nhiều thí sinh “vững dạ” trong xét tuyển đại học. Vậy hệ luỵ đằng sau vấn đề này sẽ là gì?
Nổi lên xu hướng tuyển sinh sĩ tử có chứng chỉ IELTS
Một điều rõ ràng có thể nhận thấy thời gian gần đây chính là xu hướng sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong xét tuyển Đại học. Dễ dàng thấy sự lên ngôi của các chứng chỉ như IELTS và sự suy giảm của hình thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT trong tuyển sinh.
Không đứng ngoài cuộc, nhiều sĩ tử cũng bước vào cuộc đua để có trên tay chứng chỉ IELTS, gia tăng cơ hội vào các trường Đại học.
Em Hoàng Khánh Chi (học sinh lớp 11 của Trường THPT Việt Đức) chia sẻ: “Chứng chỉ IELTS giúp em có thêm phương án xét tuyển vào Đại học, giúp bản thân tự tin và có lợi thế hơn trong câu chuyện xin việc sau này”.
Cùng quan điểm, em Vương Khanh cũng chia sẻ: “Nếu không có chứng chỉ IELTS sẽ bị thụt lùi so với bạn bè đồng trang lứa, không có sự ưu tiên trong cuộc đua vào Đại học.”
Tuy nhiên, vấn đề xoay quanh tấm bằng chứng chỉ ngoại ngữ cũng vấp phải nhiều tranh cãi về sự công bằng. Đặc biệt, nhiều người lo ngại việc này gây bất công đối với các học sinh ở vùng nông thôn hoặc địa phương khó khăn.
Em Vũ Thục Uyên (học sinh Trường THPT Đoàn Kết tại Hà Nội) nêu quan điểm: “Trong suốt quá trình học chứng chỉ, chi phí bỏ ra không hề nhỏ. Đặc biệt khó tiếp cận với học sinh ở vùng khó khăn. Em nghĩ nên có chính sách ưu tiên đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS như cộng điểm, tặng học bổng…thay vì tuyển thẳng”.
Hệ luỵ nào đằng sau?
Các chuyên gia giáo dục nhận định, cần xem xét lại giá trị thực thi của chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh Đại học. Tránh việc nhầm lẫn mục đích của 2 kỳ thi, 1 là đánh giá năng lực và 2 là tuyển sinh.
Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Phương chia sẻ: “Tiếng Anh sẽ cần thiết với những ngành học sử dụng nhiều Tiếng Anh và lúc bấy giờ chứng chỉ ngoại ngữ sẽ hữu hiệu.”
“Việc chạy đua học và thi chứng chỉ theo phong trào sẽ gây bệnh thành tích và tạo áp lực học tập cho học sinh phổ thông. Ngoài ra, còn gây ra hệ luỵ học lệch, học tủ, học sinh bỏ qua môn học chính khoá để dồn lực vào học ôn IELTS”.
Chia sẻ góc nhìn về vấn đề trên, ông Đặng Minh Tuấn (giảng viên khoa Sư Phạm – Trường ĐH Giáo dục, Hà Nội) cho rằng: “Trong xét tuyển Đại học hay phổ thông chỉ sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ như là một yếu tố xét tuyển thêm, không phải là vé “thông hành” để xét tuyển vào Đại học.
Việc nhiều phụ huynh, học sinh quá đầu tư, chú trọng vào việc lấy tín chỉ IELTS, vô tình có thể khiến nhiều em bỏ đi các kiến thức nền tảng môn học chính.
Đây vẫn sẽ là vấn đề mà chúng ta cần cân nhắc và điều chỉnh trong tương lai, để đảm bảo tính công bằng và khách quan cho việc tuyển sinh Đại học.
Khám phá thêm về các bài viết chuyên mục tuyển sinh của EDUFAE tại ĐÂY!
Đọc thêm: Đại học xét tuyển bằng IELTS: Liệu có thiếu tính công bằng?