Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy (“Six Thinking Hats”) là một công cụ hữu hiệu trong việc giúp con người suy nghĩ một cách hệ thống và hiệu quả.
Phương pháp này do Tiến sĩ Edward de Bono giới thiệu vào năm 1980, giúp chia tư duy thành các lối nhìn nhận khác nhau tương ứng với 6 chiếc mũ màu sắc khác nhau. Điều này giúp người dùng khai thác tối đa khả năng tư duy và quyết định trong các tình huống phức tạp.
Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy là gì?
Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận vấn đề từ nhiều khía cạnh. Mỗi chiếc mũ biểu trưng cho một lối tư duy, bao gồm cảm xúc, logic, sáng tạo, và đánh giá nghiêm túc. Phương pháp này có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh, giáo dục, và đời sống cá nhân.
Nếu bạn tốn quá nhiều thời gian cho việc hội họp của nhóm nhưng lại chưa đạt được hiệu quả học tập và công việc, vậy phương pháp này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả hơn đó.
Mô tả chi tiết về 6 chiếc mũ
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rõ các khái niệm về 6 chiếc mũ, khi hiểu rõ khái niệm về từng chiếc mũ thì trong một cuộc tranh luận, họp nhóm hay khi bạn cần tổng hợp thông tin và cần đưa ra quyết định nhưng không muốn đó là một quyết định vội vàng hay một chiều thì hãy ứng dụng các chiếc mũ tư duy theo từng giai đoạn.
- Mũ trắng (đại diện cho thông tin): Tư duy khách quan, dựa trên các dữ liệu và sự thật.
Câu hỏi mẫu: Chúng ta biết những gì? Cần thu thập thông tin gì thêm?
- Mũ đỏ (đại diện cho cảm xúc): Tư duy cảm nhận, trực giác.
Câu hỏi mẫu: Cảm giác của bạn về vấn đề này là gì?
Mũ đen (đại diện cho tư duy phản biện): Tìm kiếm điểm yếu, nguy cơ.
Câu hỏi mẫu: Những khó khăn tiềm tàng là gì?
- Mũ vàng (đại diện cho tư duy tích cực): Tìm kiếm lợi ích, điểm mạnh.
Câu hỏi mẫu: Lợi ích nào sẽ được đem lại?
- Mũ xanh lá (đại diện cho sáng tạo): Khai phá ý tưởng mới, giải pháp sáng tạo.
Câu hỏi mẫu: Chúng ta có thể đề xuất giải pháp nào khác biệt?
- Mũ xanh dương (đại diện cho tổng quát và kiểm soát): Quản lý quá trình suy nghĩ, đặt kế hoạch.
Câu hỏi mẫu: Kết quả nào sẽ được thực hiện? Tiếp theo chúng ta nên làm gì?
Các bước áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ
Để sử dụng phương pháp này đối với mỗi vấn đề cần bàn luận, trong từng giai đoạn được quy định bạn phải nhìn nhận vấn đề đúng với chiếc mũ mà bạn sẽ đội. Kết thúc thời gian quy định bạn mới có thể đổi chiều theo hướng suy luận phù hợp tương ứng.
Ví dụ: Bạn và đồng đội đang nhìn nhận về dự án A. Bạn sẽ cần quy định thứ tự như: mũ trắng > mũ xanh lá > mũ vàng > mũ đen > mũ đỏ > mũ xanh dương.
Theo đó, tuỳ thời điểm của từng chiếc mũ, các bạn sẽ bàn luận thông tin liên quan. Lưu ý, mũ xanh dương sẽ luôn là bước cuối cùng để kết thúc vấn đề.
Có rất nhiều mẫu thứ tự để bạn có thể áp dụng phương pháp này, bạn cũng có thể áp dụng mẫu quy tắc sau:
- Thu thập thông tin (đội mũ trắng): Tổng hợp và xác minh thông tin.
- Tìm kiếm ý tưởng (đội mũ xanh lá): Tìm kiếm giải pháp sáng tạo.
- Đánh giá khía cạnh (đội mũ đen và vàng): So sánh lợi ích và nguy cơ.
- Phân tích cảm xúc (đội mũ đỏ): Xem xét trực giác.
- Ra quyết định (đội mũ xanh dương): Tổng hợp kết luận và hành động.
Ngoài ra một số chiếc mũ có phần đối lập nhau cũng thường được đề xuất là sử dụng liền kề để có sự so sánh hợp lý và cân bằng. Ví dụ: Màu trắng (thông tin thực tế) đối nghịch với màu đỏ (trực giác và cảm xúc), hay màu vàng (tiềm năng) và màu đen (nguy cơ). Cuối cùng là màu xanh lá (tìm kiếm sự đổi mới) với màu xanh dương (nhìn nhận mọi thứ để kết luận).
Ưu nhược điểm của phương pháp
Ưu điểm
- Tăng tính logic và khả năng nhìn nhận toàn diện.
- Thôi thúc tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề hiệu quả.
Nhược điểm
- Đòi hỏi thời gian và sự cam kết để thực hiện đúng cách.
- Yêu cầu người tham gia hiểu rõ phương pháp.
Nắm vững được phương pháp này bạn hoàn toàn có thể vận dụng nó để giải quyết các lỗ hổng trong lỗi tư duy của mình. Hạn chế việc nhìn nhận cảm tính và một chiều.
Ngoài ra ở mặt làm việc đội nhóm, phương pháp này cũng giúp toàn bộ tập thể có thể nhìn nhận vấn đề dưới góc độ giống nhau ở cùng một thời điểm quy định, cũng như lật ngược vấn đề để nhìn nhận dưới nhiều góc độ.
EDUFA mong rằng bài viết trên sẽ cung cấp cho bạn thêm một phương pháp hiệu quả để ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Đừng quên chia sẻ góc nhìn của bạn ở bên dưới nhé!