Bị từ chối như việc không được đáp lại tình cảm, rớt phỏng vấn xin việc, hay thậm chí là sa thải, mỗi trải nghiệm đều gây ra một nỗi đau khó diễn tả. Vậy tại sao việc bị từ chối lại đau đớn đến mức đó? Và liệu có phương pháp nào giúp ta vượt qua không? Cùng EDUFA khám phá nhé!
Não bộ lập trình nỗi đau khi bị từ chối
Theo các nhà tâm lý học tiến hóa, con người thời nguyên thủy không thể sống sót khi phải rời xa cộng đồng. Bị từ chối khi đó gần như đồng nghĩa với nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy não bộ phát triển nỗi đau từ chối như một tín hiệu để bảo vệ chúng ta.
Thí nghiệm cho thấy, khi chúng ta hồi tưởng lại một lần bị từ chối, vùng não kích hoạt sẽ tương tự như khi chịu đau đớn về thể xác. Điều này giải thích vì sao nỗi đau tinh thần khi bị từ chối lại mãnh liệt đến vậy.
Kiểu gắn bó lo âu – yếu tố góp phần tăng độ nhạy cảm khi bị từ chối
Theo thuyết gắn bó của nhà tâm lý John Bowlby, những người có kiểu gắn bó lo âu thường dễ tổn thương hơn khi bị từ chối.
Kiểu gắn bó này thường hình thành từ thời thơ ấu, khi trẻ thiếu sự đáp ứng về cảm xúc từ người nuôi dưỡng.
Họ lớn lên với nỗi sợ không được chấp nhận và cảm giác dễ bị từ chối trong các mối quan hệ hoặc công việc. Nghiên cứu cho thấy những người này có mức độ nhạy cảm từ chối (rejection sensitivity) cao hơn người bình thường, vì vậy họ gặp nhiều khó khăn hơn khi phải đối mặt với sự từ chối.
Chỉ số nhạy cảm từ chối cao – một khía cạnh di truyền
Khái niệm “rejection sensitivity” trong tâm lý học xã hội ám chỉ xu hướng phản ứng quá mức khi bị từ chối.
Chỉ số này không chỉ do kiểu gắn bó và trải nghiệm thơ ấu mà còn có liên quan đến gen di truyền.
Ví dụ, người mang gen OPRM1 có thể dễ dàng cảm nhận nỗi đau từ chối tương đương với nỗi đau thể xác. Với những người có độ nhạy cảm cao, họ dễ hiểu lầm tín hiệu từ người khác, ví dụ như chờ hồi âm tin nhắn và nghĩ rằng người kia không còn quan tâm đến mình.
Cách đối mặt với nỗi đau khi bị từ chối
Đừng đổ lỗi cho bản thân
Từ chối có thể khiến bạn suy diễn và phán xét bản thân, ví dụ như tự cho rằng mình không xứng đáng. Việc mắc kẹt trong vòng xoáy suy nghĩ tiêu cực (catastrophic thinking) này chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy cố gắng nhìn nhận mọi thứ từ góc nhìn trung lập hơn, tránh tự chỉ trích và suy nghĩ về các tình huống xấu nhất.
Xác định lại giá trị bản thân
Bị từ chối đôi khi làm suy yếu lòng tự tôn của chúng ta. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để bạn định hình lại những giá trị mà bạn coi trọng. Hãy đặt ra những câu hỏi như: Điều gì là quan trọng với bạn trong cuộc sống? Những giá trị đó có thực sự phụ thuộc vào sự từ chối này không? Việc suy ngẫm này có thể giúp bạn nhìn thấy giá trị bản thân ngoài tình huống hiện tại và tập trung vào mục tiêu lâu dài hơn.
Nhận diện yếu tố ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn
Nhiều khi nỗi đau từ chối còn được nhân lên bởi những yếu tố như việc bạn so sánh mình với người khác, áp lực từ bạn bè đồng trang lứa, hay nỗi sợ thất bại. Tự hỏi bản thân xem những yếu tố nào đang ảnh hưởng đến cảm xúc của mình và cố gắng giảm thiểu sự tác động của chúng. Điều này sẽ giúp bạn đối mặt với nỗi đau từ chối một cách nhẹ nhàng hơn.
Tìm kiếm sự kết nối xung quanh
Con người là những sinh vật xã hội, và việc tạo kết nối là điều cần thiết. Khi đối mặt với sự từ chối, bạn có thể tìm đến những người thân thiết như bạn bè hoặc gia đình để cảm thấy mình vẫn có giá trị và được yêu thương. Nếu là trong công việc, hãy tiếp tục tham gia các dự án, câu lạc bộ hoặc lớp học để kết nối với những người hiểu bạn và hỗ trợ bạn tìm kiếm những cơ hội mới.
Việc bị từ chối là điều không thể tránh khỏi, nhưng với những cách tiếp cận phù hợp, bạn có thể đối mặt với nỗi đau này một cách bình thản hơn và từ đó rèn luyện sự kiên cường cho bản thân.
Xem thêm: Thấu cảm là cảm xúc đến từ đâu?