Thói quen nào sẽ giúp bạn đào sâu và thấu hiểu hơn về bản thân và những vấn đề tồn đọng? Cùng EDUFA khám phá nhé!
Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao một số người luôn thành công, tự tin, và giữ được bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh? Đó có thể là nhờ vào khả năng tự nhận thức – một kỹ năng quan trọng giúp mỗi người hiểu sâu hơn về bản thân và phát triển một cách toàn diện.
Cũng như bất kỳ kỹ năng nào khác, tự nhận thức không tự nhiên mà có. Nó đòi hỏi thời gian, nỗ lực và thực hành liên tục để bồi đắp. Dưới đây là 6 thói quen đơn giản bạn có thể áp dụng ngay để bắt đầu hành trình phát triển khả năng tự nhận thức của mình.
1. Viết tự do để giải phóng suy nghĩ
Một trong những cách dễ dàng nhất để hiểu rõ bản thân là viết ra mọi suy nghĩ trong đầu. Hãy dành từ 15-20 phút mỗi ngày để viết tự do mà không cần lo lắng về ngữ pháp hay chính tả. Viết những gì xuất hiện trong tâm trí bạn, không quan trọng đó là suy nghĩ tích cực hay tiêu cực.
Chẳng hạn, sau một cuộc họp căng thẳng, nếu bạn cảm thấy bối rối hoặc thất vọng, hãy viết về cảm xúc đó. Việc biến cảm xúc thành từ ngữ giúp bạn nhìn nhận lại mọi thứ một cách rõ ràng hơn. Đồng thời, viết cũng giúp giải tỏa cảm xúc và mang đến cái nhìn khách quan, từ đó hiểu sâu hơn về cảm xúc cá nhân và phản ứng của mình trong những tình huống tương tự.
2. Thói quen tò mò về chính bản thân
Chúng ta thường tò mò về thế giới xung quanh, nhưng lại ít khi đặt câu hỏi về chính mình. Bắt đầu bằng việc tự hỏi những câu hỏi đơn giản như: “Tại sao mình lại cảm thấy thích người bạn này?”, hay “Vì sao mình cảm thấy không thoải mái khi người khác hành xử như vậy?”
Tò mò về bản thân không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về quan điểm cá nhân, mà còn khám phá ra những giá trị, niềm tin ẩn sâu trong bạn. Những câu hỏi đơn giản này có thể dẫn đến những nhận thức sâu sắc hơn về cách bạn phản ứng trong mối quan hệ, công việc và cuộc sống.
3. Nhận diện cảm xúc, giá trị cá nhân và niềm tin cốt lõi
Sau khi thực hành viết tự do và đặt câu hỏi về bản thân, bạn sẽ bắt đầu nhận diện rõ hơn về cảm xúc, giá trị và niềm tin cốt lõi của mình. Khi đối mặt với một tình huống khiến bạn giận dữ, hãy dừng lại và tự hỏi: “Tại sao mình lại phản ứng mạnh mẽ như vậy?”
Ví dụ, nếu bạn cảm thấy bực bội vì ý kiến của mình bị đồng nghiệp bỏ qua, điều này có thể phản ánh rằng bạn đánh giá cao sự công bằng và tôn trọng. Việc nhận diện và phân tích các cảm xúc sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của chúng, từ đó điều chỉnh hành vi và tư duy để trở nên bình tĩnh hơn trong những tình huống căng thẳng.
4. Thói quen ghi chú những “công tắc chọc giận”
Mỗi người đều có những yếu tố kích thích, hay còn gọi là “công tắc chọc giận”, mà khi ai đó vô tình chạm vào sẽ khiến bạn bộc phát cảm xúc tiêu cực. Điều này có thể là những lời chỉ trích, những tình huống khiến bạn cảm thấy bất an về năng lực của mình.
Hãy dành thời gian để nhận diện những “công tắc” này. Khi hiểu rõ nguyên nhân của sự tức giận hay khó chịu, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát cảm xúc hơn. Đồng thời, việc này cũng giúp bạn hạn chế những phản ứng thái quá và xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn với mọi người xung quanh.
5. Thói quen dành thời gian cho chính mình
Trong thế giới bận rộn ngày nay, việc dành thời gian một mình để lắng nghe và quan sát bản thân là vô cùng quan trọng. Bạn có thể tạo cho mình một khoảng “me-time” trước khi ngủ. Trong thời gian này, hãy thả lỏng cơ thể, tưởng tượng có một “máy quét” kiểm tra toàn bộ tình trạng thể chất, cảm xúc và suy nghĩ của bạn.
Hãy lắng nghe cơ thể mình, xem xét xem có bộ phận nào cần được chăm sóc đặc biệt hay không. Cùng với đó, hãy tự hỏi về cảm xúc và suy nghĩ của bạn trong ngày. Thói quen này giúp bạn kết nối sâu hơn với bản thân và giúp cân bằng năng lượng mỗi ngày.
6. Tìm kiếm phản hồi từ người khác
Dù tự nhận thức là một quá trình cá nhân, việc nhận phản hồi từ người khác cũng rất quan trọng. Mỗi chúng ta đều có những “điểm mù” khi nhìn nhận về chính mình. Những ý kiến từ người khác sẽ giúp bạn có góc nhìn đa chiều hơn, nhận ra những điều mà tự bản thân bạn có thể không thấy.
Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn biết lựa chọn người để xin ý kiến. Đó nên là những người mà bạn tin tưởng, có kiến thức hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn muốn cải thiện. Đồng thời, hãy luôn duy trì tinh thần cởi mở, không phòng thủ khi nhận phản hồi.
Lời kết
Phát triển khả năng tự nhận thức là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. Hiểu rõ bản thân giúp bạn không chỉ cải thiện cuộc sống cá nhân mà còn thăng tiến trong công việc và xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hơn. Hãy bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Khi bạn nhận thức rõ về mình, bạn sẽ có khả năng lèo lái cuộc sống theo cách mình mong muốn.
Xem thêm: 5 cách để cải thiện trí tuệ cảm xúc